Tràn dịch khớp gối – triệu chứng, nguyên nhân và biến chứng cần lưu ý

Tràn dịch khớp gối xảy ra khi lượng chất lỏng dư thừa tích tụ trong hoặc xung quanh khớp đầu gối gây ra hiện tượng sưng tấy. Vậy làm sao để biết bạn đã mắc tràn dịch khớp gối? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tràn dịch khớp gối nguyên nhân do đâu?

Tràn dịch khớp gối khiến đầu gối bị sưng đau. Nguyên nhân kể đến có thể do chấn thương, sau phẫu thuật hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý xương khớp. 

Chấn thương

Bất kỳ tổn thương nào tại đầu gối cũng có thể gây tràn dịch khớp. Các chấn thương phổ biến gặp như:

  • Rách dây chằng, đặc biệt là dây chằng chéo trước (ACL)
  • Rách sụn chêm
  • Gãy xương

Những chấn thương nghiêm trọng có thể khiến máu tràn vào khớp gối, dẫn đến sưng, nóng, cứng và bầm tím đáng kể. Bệnh nhân gặp tình trạng này cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp.

11 bệnh lý có biểu hiện của tràn dịch khớp gối

Người bị mắc các bệnh liên quan đến xương khớp cũng có thể thường xuyên gặp phải tình trạng sưng khớp gối. Loại chất lỏng tích tụ xung quanh đầu gối tùy thuộc vào bệnh lý có sẵn ở bệnh nhân. Vì vậy, bác sĩ có thể lấy một ít dịch đó để xét nghiệm. Từ đó, kết quả sẽ cho họ biết được vấn đề mà bệnh nhân gặp phải. Các bệnh lý xương khớp phổ biến bao gồm:

Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến tình trạng sản xuất quá nhiều dịch khớp khiến khớp gối sưng tấy. Tràn dịch khớp do thoái hóa khớp thường đi kèm với đau nhức.

Viêm bao hoạt dịch ở khớp gối (do nhiễm khuẩn hoặc do hệ miễn dịch)

Bao hoạt dịch ở khớp giống như một túi chứa đầy dịch rất nhỏ và mỏng. Các đệm trơn này làm giảm ma sát giữa xương và mô mềm xung quanh, chẳng hạn như da và cơ. 

Bao hoạt dịch ở khớp gối bị viêm có thể chứa đầy chất lỏng dư thừa, gây sưng tấy hoặc tích nước trên đầu gối. Khi đó, đầu gối có cảm giác mềm hoặc đau khi ấn vào. 

Bệnh Gout

Sự tích tụ của các tinh thể axit uric cực nhỏ trong khớp tạo nên những cơn đau dữ dội. Tình trạng sưng tấy này thường xuất hiện vào ban đêm, khi nằm trên giường. Đau do Gout thường xảy ra nhanh chóng và rất đột ngột.

Người bị bệnh Gout có xu hướng đau nhiều ở ngón chân cái, nhưng vẫn có trường hợp ảnh hưởng đến đầu gối, gót chân, mắt cá chân và mu bàn chân. Bệnh gút thường chỉ xuất hiện ở nam giới trong độ tuổi ngoài 30 và đau ở một khớp nhất định.

Pseudogout (bệnh giả Gout)

Bệnh này ít phổ biến hơn nhưng có tính chất tương tự như bệnh Gout. Bệnh giả Gout cũng xảy ra do sự tích tụ của các tinh thể canxi pyrophosphate cực nhỏ trong khớp gối và gây sưng tấy và các cơn đau dữ dội, đột ngột. 

Pseudogout xảy ra thường xuyên nhất ở đầu gối và cũng có thể ảnh hưởng đến vai, khuỷu tay, mắt cá chân, cổ tay, các khớp ngón tay lớn, hông hoặc cột sống. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc và có thể bị nhầm với viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp. 

Bệnh giả Gout hay gặp ở tuổi già và thường tự biến mất sau vài tuần. 

Viêm khớp dạng thấp

Là một bệnh tự miễn có gây ảnh hưởng đến các bao hoạt dịch tại khớp. Viêm khớp dạng thấp có thể gây sưng đầu gối, cứng khớp, đau nhức. Ấn vào đầu gối có cảm giác mềm hơn bình thường.

Bệnh này có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp một cách đối xứng. Vì vậy, nếu đầu gối phải bị sưng đau thì đầu gối trái cũng có thể bị ảnh hưởng.

Viêm khớp dạng thấp vị thành niên

Sưng tấy khớp gối có thể khiến trẻ đi khập khiễng. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên. Các cơn đau nhức có thể dễ nhận thấy nhất vào buổi sáng, khi khớp gối bị cứng. Bệnh này thường ảnh hưởng đến các khớp lớn như khớp đầu gối và có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc.

Trẻ em bị viêm khớp dạng thấp vị thành niên cũng có thể bị sốt hoặc phát ban. Người chăm sóc nên liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng của trẻ kéo dài từ một tuần trở lên.

Bệnh Osgood-Schlatter

Bệnh Osgood-Schlatter là tình trạng viêm gân sao ở đầu gối, thường gặp nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tình trạng này có thể khiến đầu gối bị sưng và đau. Ngoài ra, phần trên cùng của xương ống quyển (ở dưới cùng của đầu gối) có thể nổi rõ và da ở khu vực này có cảm giác mềm khi chạm vào. Trẻ bị đau thắt ở mặt trước hoặc mặt sau của đùi.

Sau khi được chẩn đoán, trẻ có thể được điều trị tại nhà và sẽ khỏi khi lớn lên.

Viêm khớp do nhiễm trùng

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào lớp niêm mạc mỏng manh bao quanh đầu gối hoặc các bao hoạt dịch ở khớp gối gây nhiễm trùng và chứa đầy mủ. Sưng đầu gối kèm theo đau dữ dội và sốt có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp nhiễm trùng. Các triệu chứng có thể biểu hiện một cách rầm rộ trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Nếu nhiễm trùng lan vào máu có thể đe dọa tính mạng. Bệnh nhân nên đi khám ngay nếu nghi ngờ có các triệu chứng do viêm khớp nhiễm trùng.

Viêm khớp phản ứng (bao gồm cả hội chứng Reiter)

Một số loại nhiễm trùng do vi khuẩn (Chlamydia) và nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể thúc đẩy phản ứng viêm trong cơ thể có thể gây đau và sưng khớp.

U nang Baker

Dịch khớp dư thừa quá nhiều dẫn đến sự tích tụ và hình thành nên các khối u lành tính (gọi là u nang Baker).

Sưng ở phía sau đầu gối có thể là dấu hiệu của u nang Baker. Người bệnh có thể đau và cứng khớp. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi duỗi thẳng hoặc gập đầu gối.

Khối u xương

Một khối u lành tính hoặc ác tính có thể gây sưng đầu gối. Có thể kèm theo cảm giác đau nhức âm ỉ. Cơn đau biểu hiện rõ ràng hơn vào ban đêm hoặc khi bắt đầu vận động. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sốt, sụt cân nhiều kèm mệt mỏi và đổ mồ hôi ban đêm.

Triệu chứng cảnh báo bạn bị tràn dịch khớp gối

Khi bị tràn dịch khớp gối, lượng chất lỏng dư thừa sẽ chứa ở các mô xung quanh đầu gối. Bạn có thể nhận ra ngay được đầu gối bị tràn dịch trông sẽ to hơn đầu gối còn lại.

Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng điển hình như:

  • Cứng khớp
  • Khó co hoặc duỗi thẳng đầu gối
  • Giảm vận động

Nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể: 

  • Mất khả năng vận động 
  • Không có mạch ở chân
  • Mất cảm giác dưới đầu gối
  • Sốt

Một số triệu chứng sẽ phụ thuộc vào bệnh lý xương khớp mà bệnh nhân mắc phải.

Tràn dịch khớp gối có gây biến chứng nguy hiểm gì không?

Nếu không được điều trị kịp thời, tràn dịch khớp gối có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm bao gồm:

Mất cơ

Tràn dịch khớp gối có thể gây hại cho cơ và các cấu trúc khác của đầu gối theo thời gian. Điều này làm cho cơ đùi yếu dần, teo lại và mất cơ nếu không được điều trị kịp thời. 

Hình thành u nang chứa đầy dịch (u nang Baker)

Sự tích tụ của chất lỏng trong đầu gối có thể dẫn đến sự hình thành u nang Baker ở phía sau đầu gối của bạn. U nang Baker bị sưng lên có thể gây đau đớn, nhưng sẽ đỡ hơn khi chườm lạnh. Nếu tình trạng sưng tấy nghiêm trọng, bạn cần phải hút dịch bớt ra ngoài (chọc hút nang).

Khuyết tật sụn đầu gối và mất tủy xương

Theo các nghiên cứu gần đây, tràn dịch khớp gối cũng liên quan đến sự gia tăng các khuyết tật sụn đầu gối và tổn thương tủy xương.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tasmania ở Hobart đã hoàn thành một phân tích cắt ngang và dọc với hơn 900 người tham gia bị ảnh hưởng bởi tràn dịch khớp gối. Họ phát hiện ra rằng tràn dịch khớp gối – đặc biệt là túi thượng bì – có thể liên quan đến nguyên nhân từ các khuyết tật sụn, sau đó có thể dẫn đến tổn thương tủy xương và mất sụn theo thời gian. Mức độ tràn dịch cao hơn có liên quan đến tỷ lệ phần trăm khuyết tật sụn tăng lên.

Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 62 tuổi. Tất cả đều được chụp MRI đầu gối phải và đánh giá tình trạng tràn dịch khớp gối để lấy thông tin cơ bản. 

Bằng cách theo dõi những người tham gia trên theo thời gian, họ phát hiện ra rằng tràn dịch khớp có liên quan đáng kể đến sự thay đổi tổng thể tích sụn chày và xương chày. Sau 2,6 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tràn dịch ở vùng này có liên quan mật thiết đến sự gia tăng các tổn thương tủy xương. Tất cả các kết luận đều được điều chỉnh theo tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể (BMI) và X quang viêm xương khớp (OA).

Bạn có thuộc đối tượng nguy cơ cao bị tràn dịch khớp gối?

Trên thực tế, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên nhóm các đối tượng có nguy cơ cao gặp tình trạng này hơn những người bình thường bao gồm: 

  • Người lớn tuổi (chất lượng xương bị suy giảm do quá trình thoái hóa) 
  • Những người thường xuyên chơi các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá, bóng rổ, đấu vật…
  • Những người làm những công việc phải quỳ gối nhiều như thợ lợp mái nhà, thợ làm vườn, thợ may…
  • Những người thừa cân hoặc béo phì: cân nặng sẽ gây thêm căng thẳng cho các khớp gối
  • Những người bị mắc các bệnh liên quan đến xương khớp hoặc rối loạn chuyển hóa (bệnh Gout và giả Gout).  

Khi nào cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt

Thông thường, tràn dịch khớp gối có thể giảm bớt sau một vài ngày điều trị hoặc thậm chí không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu gặp phải một trong số các triệu chứng dưới đây thì bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể. 

  • Đầu gối bị sưng, đau nghiêm trọng hoặc có biểu hiện bất thường rõ rệt (bầm tím, mất cảm giác…)
  • Không thể duỗi thẳng hoàn toàn hoặc gấp lại như bình thường
  • Không thể đứng dậy, đi lại hoặc cảm thấy như thể đầu gối sắp rời ra khỏi xương
  • Da trên đầu gối trở nên nóng hoặc đỏ
  • Sốt cao (trên 38°C)  
  • Hiện tượng sưng đầu gối xuất hiện từ 3 ngày trở lên mà không có dấu hiệu thuyên giảm. 
  • Đặc biệt, sưng khớp gối kèm theo đau buốt; sưng hoặc đỏ ở bắp chân và có cảm giác như nước chảy xuống bắp chân có thể là dấu hiệu của cục máu đông hoặc tình trạng bệnh nghiêm trọng khác cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng đang gặp phải của mình, xin vui lòng để lại bình luận dưới bài viết hoặc liên hệ tới tổng đài miễn cước 1800 234 558 để được các chuyên gia xương khớp giải đáp và đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *