Thoái hóa khớp gối ở người trẻ – Triệu chứng, nguyên nhân

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Vậy triệu chứng của thoái hóa khớp gối là gì, nguyên nhân do đâu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin cụ thể trong bài viết này.

Khái quát về thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp thường xảy ra khi quá trình lão hóa của cơ thể diễn ra mạnh mẽ. Một trong những vị trí biểu hiện rõ nhất chính là khớp gối.

Thoái hóa khớp gối thực chất là tình trạng lớp sụn khớp tại đầu gối bị lão hóa, bào mòn dẫn đến những thương tổn kèm theo phản ứng viêm gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng dịch khớp.

Cũng như thoái hóa ở các vị trí khớp khác, thoái hóa khớp gối diễn ra một cách âm thầm và có thể kéo dài nhiều năm mới biểu hiện trên người bệnh. Nếu không phát hiện kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng đáng lo ngại khi bệnh trở nặng hơn.

3 triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp gối 

Tuy thoái hóa khớp gối tiến triển khá thầm lặng nhưng khi biểu hiện ra ngoài, người bệnh thường gặp 3 triệu chứng điển hình sau đây:

Đau mặt trước hoặc trong khớp gối

Các cơn đau xuất hiện có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy vào mức độ thoái hóa của người bệnh. Tuy nhiên, đau khớp gối có xu hướng tăng lên khi hoạt động gây áp lực lên chúng, ví dụ: ngồi xổm, leo cầu thang, ngồi xuống đứng lên một cách đột ngột…

Khó vận động hoặc có hiện tượng căng cứng, sưng to ở khớp gối

Lớp sụn đầu khớp bị bào mòn nên khi vận động phần xương bị cọ xát vào nhau dẫn đến cảm giác căng cứng, khó cử động. Hiện tượng cứng khớp thường hay xuất hiện vào buổi sáng lúc ngủ dậy và kéo dài khoảng dưới 30 phút

Ma sát kéo dài ở hai đầu xương khi không có lớp sụn dẫn đến những tổn thương khó phục hồi và biến dạng khớp. Điều này gây ra những biến dạng bất thường và sưng to ở khớp gối

Thường xuyên xuất hiện tiếng “lạo xạo” trong khớp

Chất nhờn trong dịch khớp giúp xương chuyển động trơn tru, linh hoạt. Khi bị thoái hóa, lượng chất nhờn bị suy giảm dẫn đến khô khớp. Xuất hiện tiếng lạo xạo do các đầu xương trượt lên nhau không có chất bôi trơn hoặc do những mô sẹo, vết rách ở sụn… khi có tổn thương ở khớp.

Các giai đoạn tiến triển của thoái hóa khớp gối

Bệnh lý thoái hóa khớp đầu gối tiến triển qua 4 giai đoạn được xác định theo sự tổn thương của khớp trên hình ảnh X-quang

Giai đoạn thoái hóa khớp gối độ 1

Hình ảnh chụp X-quang: Khe khớp gần như bình thường, có thể có gai xương nhỏ.

Biểu hiện lâm sàng

  • Thường ở giai đoạn khởi phát, thoái hóa khớp gối không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, tại khớp gối chưa có nhiều dấu hiệu bất thường để định hướng điều trị
  • Bệnh nhân đi lại vận động bình thường. Có thể xuất hiện đau khớp gối khi bệnh nhân hoạt động khớp gối nhiều, ví dụ: đứng lên ngồi xuống liên tục, lên xuống cầu thang hay ngồi xổm…
  • Tại khớp gối không có hiện tượng sưng nóng đỏ đau và không xuất hiện những biến dạng bất thường

Giai đoạn thoái hóa khớp gối độ 2

Hình ảnh chụp X-quang: Có hiện tượng hẹp khe khớp nhẹ, xuất hiện khá rõ các gai xương nhỏ

Biểu hiện lâm sàng

  • Đây là giai đoạn thoái hóa khớp tiến triển nhẹ, lớp sụn chưa bị tổn thương nhiều, lượng dịch khớp vẫn đầy đủ để nuôi dưỡng lớp sụn và giúp bôi trơn ổ khớp. Do đó hoạt động của khớp gối vẫn diễn ra bình thường
  • Tuy nhiên, một số bệnh nhân thoái hóa khớp gối ở giai đoạn này đã hình thành các gai xương nhỏ. Vì vậy, khi bệnh nhân vận động, các gai xương sẽ chạm vào các tổ chức mô trong ổ khớp gây đau mỏi, nhất là khi vận động nhiều hay làm việc quá sức
  • Có thể xuất hiện tình trạng cứng khớp khi trời lạnh hoặc khi ít vận động khớp gối

Giai đoạn thoái hóa khớp gối độ 3

Hình ảnh chụp X-quang: Hình ảnh tổn thương cho thấy hẹp khe khớp rõ, đặc biệt xương dưới sụn có nhiều gai xương kích thước khác nhau, đầu xương có thể bị biến dạng

Biểu hiện lâm sàng

  • Ở giai đoạn này, lớp sụn khớp bị tổn thương rõ nét, gai xương nhiều làm khớp bị biến dạng gây ảnh hưởng đến sự vận động của khớp
  • Các cơn đau khớp gối xuất hiện thường xuyên hơn và mức độ cũng nặng hơn, đi lại vận động khó khăn nhất là khi leo cầu thang, đứng lâu, đi nhiều, ngồi xổm, nhiều khi đi bộ nhẹ nhàng cũng bị đau
  • Cứng khớp buổi sáng xảy ra thường xuyên
  • Có thể xuất hiện các đợt viêm khớp gối với các triệu chứng rầm rộ như: sưng nóng đỏ đau, thậm chí có thể tràn dịch
  • Một số trường hợp có biểu hiện lệch, vẹo khớp gối

Giai đoạn thoái hóa khớp gối độ 4

Hình ảnh chụp X-quang: Hẹp khe khớp nhiều (thậm chí có thể hẹp toàn bộ khe khớp), đặc xương dưới sụn, gai xương kích thước lớn, đầu xương bị biến dạng rõ

Biểu hiện lâm sàng

  • So với các giai đoạn trên, thoái hóa khớp gối ở độ 4 mang mức độ rất nghiêm trọng, lớp sụn gần như bị bào mòn hoàn toàn và bong tróc để lộ đầu xương. Các bao hoạt dịch bị tổn thương nhiều nên không thể bôi trơn ổ khớp khi vận động. Lúc này, một hoạt động đơn giản như đi lại hay chuyển động trong phạm vi nhỏ cũng khiến người bệnh cảm thấy rất đau đớn và khó chịu 
  • Những cơn đau khớp gối xuất hiện thường xuyên và dữ dội hơn, đau tăng lên khi vận động
  • Cứng khớp buổi sáng liên tục
  • Biến dạng khớp gối do hẹp khe khớp, dính khớp, gây lệch trục
  • Tình trạng viêm khớp gối xảy ra thường xuyên hơn, tràn dịch khớp gối

7 nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp gối ai cũng biết đến là do tuổi tác. Tuy nhiên, còn một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển thoái hóa khớp có thể kể đến như:

Tuổi tác

Thông thường đến độ tuổi ngoài 50, các tế bào và bộ phận trong cơ thể cũng bắt đầu có tình trạng ngừng sinh trưởng, trì trệ hoạt động. Đó gọi là quá trình lão hóa tự nhiên

Ở các khớp, quá trình này sẽ làm cho các tế bào sụn già đi, khả năng tổng hợp các chất mucopolysaccharide và sợi collagen giảm dần và khi giảm đến một mức nào đó sẽ gây ra sự rối loạn. Lúc này, sụn khớp bị giảm chất lượng rất nhiều và gần như mất khả năng tái tạo dẫn đến những biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp

Béo phì

Bạn có thể kiểm tra xem mình có bị thừa cân hay béo phì hay không bằng chỉ số BMI (Body Mass Index) hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể (chỉ số thể trọng)

BMI là một công cụ thường được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể được tính dựa trên chiều cao và cân nặng, áp dụng cho nam và nữ trưởng thành.

Chỉ số khối cơ thể được tính theo công thức

BMI = W/ [(H)2]

Trong đó:

  • BMI đơn vị thường dùng là kg/m2
  • W là cân nặng (kg)
  • H là chiều cao (m)

Một người có chỉ số BMI bình thường sẽ dao động trong khoảng 18,5 – 24,9, con số này cho thấy bạn đang ở mức cân nặng lý tưởng. Khi chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 25 – 29,9 tức là bạn đang bị thừa cân. Trong trường hợp chỉ số BMI từ 30 trở lên, cho thấy bạn đang bị béo phì

Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối cao gấp 4 – 5 lần người bình thường. Khớp gối là vị trí chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Vì thế, béo phì làm tăng áp lực lên sụn khớp khiến chúng dễ bị nứt, vỡ hình thành nên các gai xương gây thoái hóa

Giới tính

Phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới do quá trình mang thai và thói quen đi giày cao gót. Đặc biệt, sau độ tuổi tiền mãn kinh, nồng độ hormon và lượng canxi trong máu bị suy giảm dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất cho xương khớp. Điều này cũng là nguyên nhân chính gây nên thoái hóa khớp ở phụ nữ

Ảnh hưởng của nghề nghiệp

Các vận động viên chơi bóng đá, quần vợt hoặc chạy đường dài… và những người thường xuyên phải là công việc lao động nặng nhọc có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối. Nguyên nhân có thể do các chấn thương hoặc áp lực tại khớp kéo dài gây ra tổn thương khó phục hồi tại khớp, lâu dần dẫn đến thoái hóa

Bệnh lý xương khớp khác

Những người bị viêm khớp dạng thấp – một bệnh phổ biến gặp, cũng có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp. 

Bên cạnh đó, người mắc một số chứng rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng cũng có nguy cơ cao bị viêm xương khớp

Di truyền

Các đột biến di truyền có thể làm cho một người có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm xương khớp ở đầu gối, ví dụ: những bất thường trục khớp gối bẩm sinh như khớp gối quay ra ngoài hay khớp gối quay vào trong. Một số trường hợp do khớp gối quá duỗi cũng là nguyên nhân thứ phát gây nên thoái hóa khớp gối

Ít vận động

Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế lại đúng như vậy. Lớp dịch trong khớp gối cần phải được lưu thông khắp viền khớp gối để tạo ra độ linh hoạt, trơn trượt cho khớp. Sự vận động thường xuyên với mức độ hợp lý sẽ tạo điều kiện kích thích cho lớp dịch khớp lưu thông dễ dàng hơn, hạn chế được nguy cơ khô khớp dẫn đến thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp gối không còn là căn bệnh của tuổi già

Trước đây, thoái hóa khớp gối thường xuất hiện ở độ tuổi 60 trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người ở độ tuổi 40 đã bị thoái hóa khớp gối. Lý do một phần do lối sống lười vận động cùng chế độ dinh dưỡng không khoa học của giới trẻ ngày nay. 

Vì vậy, đừng chủ quan nghĩ rằng “còn trẻ thì không cần lo thoái hóa”. Ngay từ bây giờ, hãy tạo cho mình một thói quen ăn uống, sinh hoạt và lối sống lành mạnh. Nó không những giúp bạn mạnh khỏe mà còn ngăn ngừa thoái hóa khớp tiến triển sớm ở độ tuổi còn trẻ

Bên cạnh đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của thoái hóa khớp gối, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *