[Giải đáp] Thuốc Nam chữa viêm khớp từ kinh nghiệm dân gian có thực sự hiệu quả?

Bên cạnh các phương pháp điều trị viêm khớp hiện đại thì thuốc Nam vẫn được rất nhiều người bệnh quan tâm và sử dụng. Tuy nhiên, một số người có đôi chút băn khoăn khi dùng những bài thuốc này. Liệu chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian có thực sự hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được nỗi trăn trở đó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Bài thuốc dân gian – “Nam Dược trị Nam nhân”

Câu nói nổi tiếng trên của đại danh y Tuệ Tĩnh – người được mệnh danh là “vị thánh thuốc Nam”. Ý nghĩa của câu nói đó là: “dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam”.

Thuốc Nam là những dược liệu từ cây cỏ, động vật, khoáng vật có nguồn gốc ở nước ta. Chúng còn được biết đến với cái tên gọi quen thuộc là thuốc dân gian.

Sở dĩ có tên gọi đó là vì từ thời xa xưa, những bài thuốc Nam được ông cha ta sử dụng rồi đúc rút lại kinh nghiệm. Sau đó truyền miệng cho nhau từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác mà không được ghi chép rõ ràng trên sách vở.

Tuy nhiên, cho đến nay, những bài thuốc đó vẫn được lưu truyền và sử dụng một cách rộng rãi. Có lẽ, cũng chính vì vậy, mà không quá khó hiểu khi ông bà chúng ta có một “kho báu” bài thuốc dân gian truyền lại cho thế hệ con cháu.

Phần lớn, những vị thuốc Nam có nguồn gốc rất đỗi quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Chúng có thể là những loại cây làm gia vị, thực phẩm như: nghệ, gừng, sả, tía tô, lá lốt, ngải cứu,… Cũng có thể là cây cỏ dại quanh vườn như: cỏ nhọ nồi, cỏ mần trầu, cỏ xước… Hay có cả các loài hoa, ví dụ: cúc hoa, dành dành, hoa hồng bạch,…

Thuốc Nam đa phần được dùng theo đường uống. Tuy nhiên, một số bài thuốc có thể dùng bằng cách xoa, đắp trực tiếp lên chỗ đau; bôi ngoài da hoặc xông hơi. Cách chế biến cũng chuộng cách dùng nguyên liệu ở dạng tươi hoặc sấy khô chứ không nấu ra thành cao hoặc bào chế cầu kỳ như thuốc Bắc.

Chữa viêm khớp bằng thuốc Nam có thực sự mang lại hiệu quả cho người bệnh?

Câu trả lời là “có”. Thuốc Nam là sự chắt lọc và đúc rút từ kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của ông cha ta, lưu truyền đến tận ngày nay. Phương pháp điều trị này có một vài ưu điểm và nhược điểm như sau:

 

Ưu điểm

Hiện nay, có rất nhiều người quan tâm đến việc điều trị viêm khớp bằng thuốc Nam. Phương pháp này được người bệnh ưu tiên áp dụng tại nhà nhờ 3 ưu điểm dưới đây:

An toàn, lành tính, không gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm

Vì có nguồn gốc tự nhiên nên thuốc Nam thường sẽ khá lành tính, an toàn cho người sử dụng và không gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như thuốc Tây.

Nguyên liệu dễ tìm, tiết kiệm chi phí

Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy được nguồn dược liệu từ vườn nhà hoặc mua ngoài chợ. Chính vì vậy, dù có phải điều trị lâu dài thì chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với các phương pháp điều trị khác.

Hiệu quả rõ rệt

Những bài thuốc này được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian của cha ông ta và truyền lại cho bao đời con cháu. Chính vì vậy, hiệu quả điều trị được kiểm chứng qua rất nhiều thế hệ. Không những thế, một số loại thảo dược còn chứa rất nhiều hoạt chất tốt giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể người bệnh.

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, các bài thuốc dân gian cũng có một vài hạn chế sau:

Tác dụng chậm

Thuốc Nam không tác dụng nhanh chóng và tức thời như thuốc Tây. Việc dùng thuốc Nam để điều trị, đôi khi phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới thấy được hiệu quả.

Không tiện lợi và tương đối mất thời gian

Cách chế biến của một số bài thuốc khá cầu kỳ và mất thời gian cho việc chuẩn bị. Chẳng hạn, bạn phải phơi khô hoặc sao (rang) lên, sau đó mới sắc lên để uống. Với những bài thuốc có nhiều vị dược liệu, việc tìm đủ các nguyên liệu đôi khi cũng không dễ dàng và có sẵn cho bạn. Vì vậy, với những người bận rộn thì phương pháp này không được ưu tiên để lựa chọn cho việc điều trị.

Ít hiệu quả đối với các trường hợp bệnh nặng

Những bài thuốc Nam hầu hết chỉ có hiệu quả với các trường hợp mới bị bệnh hoặc bị ở mức độ nhẹ. Khi bệnh đã tiến triển nặng thì thuốc Nam không còn đủ hiệu lực để làm bệnh thuyên giảm.

Cùng một bài thuốc nhưng hiệu quả điều trị khác nhau ở mỗi người

Tùy vào cơ địa của từng người mà thuốc có hiệu quả khác nhau. Trên thực tế đã cho thấy, có rất nhiều trường hợp cùng dùng một bài thuốc nhưng người này khỏi đau mà người kia lại không khỏi. Như vậy, không phải bài thuốc nào cũng có hiệu quả với tất cả người bệnh.

Top 8 bài thuốc Nam chữa viêm khớp cực hiệu quả cho người bệnh

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn 8 bài thuốc Nam hiệu quả nhất cho người bị viêm khớp

Bài thuốc từ cỏ xước

Cỏ xước còn có tên gọi khác là hoài ngưu tất hay ngưu tất nam. Loại cỏ này thường mọc hoang ở các bãi cỏ, ven đường, bờ bụi… Chính vì vậy, nhiều người hay nhầm lẫn cỏ xước với những loại cỏ dại khác.

Theo Y học cổ truyền, cỏ xước có vị đắng, hơi chua, tính mát, không độc, quy vào 2 kinh can và thận. Vì vậy, chúng được dùng để chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp, tê bại, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện không thông, đái buốt, đái rắt.

Thành phần trong loại thảo dược này gồm 81.9% là nước. Các chất khác như: vitamin C (2%), chất xơ (2.9%), caroten (2.6%), glucid (9.2%), protid (3.7%),… giúp thanh nhiệt, giải độc, giảm nóng trong.

Rễ cây là bộ phận được dùng nhiều nhất bởi trong rễ có chứa tới 4% acid oleanolic (sapogenin). Hạt chứa hentriacontane và saponin (2%), acid oleanolic, saponin oligosaccharide, acid oleanolic (1,1%). Chính thành phần saponin và acid oleanolic giúp ngăn ngừa cholesterol xấu trong máu, tăng cường sức khỏe của xương và kích thích hệ miễn dịch.

Cách chế biến: Đào rễ về, làm sạch đất cát. Sau đó, phơi hoặc sấy khô.

Cách dùng: Sắc nước uống.

Liều lượng: Ngày dùng 15 – 20g. Uống theo từng đợt (15 ngày cho 1 liệu trình)

Bài thuốc từ cốt khí củ

Cây cốt khí mọc ở khu vực vùng đồi núi như: Hà Giang, Lào Cai (Sa Pa), Cao Bằng… Bộ phận dùng làm thuốc của cây cốt khí là phần rễ củ.

Theo Đông Y, củ của cây cốt khí có vị đắng, tính ấm, được quy vào kinh can, đởm, phế. Nhờ đó, dân gian thường sử dụng củ của cây cốt khí để chữa đau nhức gân cốt, tê bì chân tay, mỏi lưng, phong tê thấp, ho nhiều đờm, mụn nhọt lở loét.

Thành phần hóa học chính có trong củ cốt khí là anthranoid, chủ yếu là emodin. Chất này có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm.

Cách chế biến: Đào lấy rễ củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch. Sau đó, cắt đoạn hoặc đem thái mỏng, phơi hay sấy khô. Trước khi dùng sao vàng.

Cách dùng: Sắc nước uống hoặc dùng ngoài (sắc lấy nước để bôi, rửa hoặc chế thành cao để bôi)

Liều lượng: Ngày dùng 9 – 15g.

Bài thuốc từ địa liền

Địa liền có tên gọi khác là: sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương. Người ta dùng thân rễ của cây để làm thuốc.

Cây thuốc này có vị cay, tính ôn, quy vào 2 kinh tỳ, vị. Theo kinh nghiệm dân gian, địa liền dùng để chữa ngực bụng lạnh đau, tê thấp, nhức đầu, đau răng, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp.

Thân rễ địa liền khô chứa khoảng 2,4 – 3,9% tinh dầu. Thành phần chủ yếu là axit p-methoxycinamic, ethyl cinamat và p-methoxy ethylcinamat.

Cách chế biến: Đào lấy thân rễ, rửa sạch. Sau đó, thái phiến mỏng rồi phơi khô. Khi dùng vi sao.

Cách dùng: Sắc nước uống hoặc dùng ngoài (ngâm địa liền với rượu từ 5 – 7 ngày rồi dùng xoa bóp vào chỗ đau).

Liều lượng: Ngày dùng 6 – 9g.

Bài thuốc từ hy thiêm

Tên gọi khác của hy thiêm đó là: cỏ đĩ, cây cứt lợn, hy tiên. Vị thuốc này dùng toàn bộ phần trên mặt đất của cây.

Hy thiêm có vị đắng, tính lạnh, quy vào 2 kinh can và thận. Dùng để chữa đau lưng, mỏi gối, đau xương khớp, chân tay tê buốt, mụn nhọt.

Nghiên cứu các thành phần có trong hy thiêm, chủ yếu chứa hàm lượng lớn chất darutin thuộc dẫn chất của axit salicylic và các chất đắng daturosid, orientin,… Các chất này có khả năng kháng viêm, hạ huyết áp và giãn cơ rất tốt.

Cách chế biến: Khi trời khô ráo, cắt lấy cây có nhiều lá hoặc mới ra hoa, bỏ gốc và rễ. Sau đó, phơi hoặc sấy đến khô (ở 50 °C đến 60 °C).

Cách dùng: Sắc nước uống.

Liều lượng: Ngày dùng 9 – 12g.

Bài thuốc từ lá lốt

Lá lốt là loại rau rất quen thuộc trong vườn nhà cũng như các món ăn trong bữa cơm gia đình. Trong dân gian, lá lốt được dùng cả cây để chữa bệnh.

Cây thuốc có vị nồng, hơi cay, tính ấm. Dùng để chữa rất nhiều chứng liên quan đến viêm khớp như: chứng phong thấp, thấp khớp mạn, đau lưng, đau khớp, đau nhức xương, tay chân tê bại. Ngoài ra, còn chữa rối loạn tiêu hóa, nôn mửa đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy, đau đầu, đau nhức răng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi chân tay.

Lá, thân và rễ cây chứa ankaloid và tinh dầu. Tinh dầu có 35 thành phần, trong đó, 25 thành phần đã được nhận dạng, chủ yếu là β-caryophyllene. Rễ chứa tinh dầu, có thành phần chính là bornyl acetate. Các chất này góp phần chống viêm và ức chế thần kinh, làm giảm cảm giác đau đớn ở người bệnh.

Cách chế biến: Hái về dùng tươi hoặc phơi khô.

Cách dùng: Sắc nước uống hoặc dùng ngoài (sắc đặc, ngậm chữa đau răng).

Liều lượng: Ngày dùng 8 – 12g (khô) hoặc 15 – 30g (tươi), chia 2 – 3 lần/ngày.

Bài thuốc từ náng hoa trắng

Một số nơi có trồng loại cây này để làm cảnh. Lá cây náng dùng để chữa sưng đau khớp rất hiệu quả.

Trong y học Đông phương, náng có vị cay, tính mát, có độc; có tác dụng thông huyết, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau.

Náng hoa trắng được dùng ngoài để trị các vết tụ máu do chấn thương, sai khớp, bong gân do té ngã, khớp xương sưng đau, hoặc xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi chân tay.

Lá, hoa và củ của cây chứa nhiều hoạt chất alkaloid có tên gọi là lycorin. Bên cạnh đó, thân và bẹ cây chứa nhiều alkaloid khác như crinasiatin, baconin, hipadin. Các alkaloid này có tác dụng làm giảm đau và chống viêm.

Cách chế biến: Thu hái lá về, loại bỏ lá vàng úa, cắt thành đoạn dải từ 2 cm đến 5 cm. Sau đó, phơi trong râm hoặc sấy (ở 40 °C – 50 °C) đến khô. Hoặc có thể dùng tươi.

Cách dùng: Hơ lá náng tươi vừa đủ nóng rồi đắp vào chỗ tụ máu, bong gân, sưng tấy. Hoặc cũng có thể thái nhỏ, đảo nóng lên để bó vào chỗ đau.

Bài thuốc từ tầm gửi dâu

Tầm gửi dâu có tên gọi khác là tang ký sinh. Chúng là một loại cây nhỏ sống ký sinh trên thân cây dâu tằm nhờ các rễ mút. Toàn bộ cây đều có tác dụng chữa bệnh.

Cây có tính bình, vị đắng, quy vào 2 kinh can và thận nên có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân xương, bài trừ phong thấp, an thai, lợi sữa.

Tầm gửi dâu trị đau lưng, nhức xương khớp, đau thần kinh ngoại biên, phụ nữ động thai, ít sữa sau khi đẻ.

Về thành phần hóa học, tầm gửi dâu chứa quercetin và avicularin trong thân và lá. Ngoài ra bên trong lá còn chứa một số thành phần hóa học khác gồm: hyperosid, d–catechin và quercitrin.

Các chất hóa học này, đặc biệt là quercetin có khả năng hoạt động như các chất chống oxy hóa, giúp làm giảm tình trạng viêm đang diễn ra trong cơ thể.

Cách chế biến: Lấy toàn bộ thân, cành, lá và quả tầm gửi dâu, mang về loại bỏ tạp chất, thái nhỏ, phơi khô trong bóng râm hoặc tẩm rượu sao qua.

Cách dùng: Sắc nước uống hoặc dùng ngoài (đem giã nát và đắp vào vùng bị đau).

Liều lượng: Ngày dùng 12 – 20g.

Bài thuốc từ ngũ gia bì chân chim

Ngũ gia bì chân chim hay được một số gia đình trồng để làm cảnh giúp xua muỗi. Chúng có tên gọi khác là: cây ngũ gia bì gai, cây đáng, cây lằng, cây sâm non.

Điểm đặc biệt của ngũ gia bì chân chim là không sử dụng toàn bộ thân, mà chỉ dùng vỏ thân, vỏ rễ, vỏ cành hoặc các rễ nhỏ để làm thuốc.

Theo Y học cổ truyền, thuốc có vị đắng, cay, tính mát, quy vào 2 kinh can và thận. Dùng để điều trị đau lưng, đau xương cốt do hàn thấp, sưng đau do viêm, sưng đau do chấn thương.

Vỏ thân cây chứa 0,9-1% tinh dầu. Vỏ cành và vỏ rễ chứa saponin triterpen khi thuỷ phân cho acid oleanic. Các chất này giúp giảm đau, có tác dụng kháng viêm đối với cả viêm cấp và mạn tính.

Cách chế biến: lúc trời khô ráo, bóc lấy vỏ cây, rửa sạch, bỏ lõi, cạo bỏ lớp bần ờ ngoài, cắt thành từng đoạn ngắn, sau đó phơi trong bóng râm và ủ với lá chuối 7 ngày (thỉnh thoảng đảo lên cho đều, để nổi mùi hương). Sau 7 ngày, lấy ra thái miếng phơi hoặc sấy nhẹ (ở 50 °C đến 60 °C) cho khô.

Cách dùng: Sắc nước uống hoặc ngâm với rượu để uống (sao vàng vỏ cây, ngâm với rượu trắng từ 10 – 15 ngày, thỉnh thoảng lắc đều).

Liều lượng: Ngày dùng 10 – 20g dạng thuốc sắc. Còn đối với rượu thuốc thì uống khoảng 30ml/ ngày, vào buổi tối, trước khi đi ngủ.

Đừng nhầm lẫn giữa thuốc Bắc và thuốc Nam

Về bản chất, cái tên “thuốc Bắc” là cách gọi của người Việt đối với những dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cách gọi này chính là để phân biệt với “thuốc Nam”.

Khác với thuốc Nam, những bài thuốc Bắc được ghi chép một cách rõ ràng trong sách vở hoặc là các công trình nghiên cứu bao gồm cả liều lượng, nguyên liệu, cách dùng và tác dụng thực tế của vị thuốc đó.

Thuốc Bắc sẽ được các thầy thuốc (lang y) kê đơn. Các vị thuốc được cân, đong, đo, đếm một cách rõ ràng, chi tiết. Một đơn thuốc thường gồm nhiều vị thuốc kết hợp với nhau theo công thức, sau đó được chia đều thành các thang thuốc. Rất ít khi thuốc Bắc dùng riêng lẻ một vị thuốc.

Trước đây, do khác nhau về khí hậu và các điều kiện tự nhiên, một số cây thuốc chỉ trồng được ở Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển không ngừng của nền khoa học kĩ thuật trong các lĩnh vực y học và nông nghiệp, các cây thuốc đó đã thích nghi và phát triển được trong điều kiện tự nhiên của nước ta.

Vì thế, các vị thuốc Nam và thuốc Bắc ngày nay đã có sự thay đổi so với trước đây. Chính điều này đã dẫn đến một số nhầm lẫn cho không ít người khi nói đến hai loại thuốc trên.

Cách chế biến của thuốc Bắc cũng cầu kì và đôi khi phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc Nam. Tuy nhiên, cách dùng thì tương đối giống thuốc Nam.

6 lời khuyên hữu ích từ chuyên gia tới bạn khi điều trị viêm khớp bằng thuốc Nam

Theo kinh nghiệm dân gian, có thể thuốc Nam đem lại hiệu quả rất tốt trong việc điều trị viêm khớp. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn 6 điều như sau:

  • Thuốc Nam thực sự có thể phát huy tác dụng rất tốt với những người mới bị viêm khớp. Nhưng với bệnh nhân đã tiến triển đến giai đoạn nặng thì thuốc Nam gần như không đủ hiệu lực giúp bệnh thuyên giảm và không thể thay thế được việc điều trị bằng nội khoa hay ngoại khoa của y học.
  • Như đã nêu trong phần nhược điểm của thuốc Nam, thời gian để thấy được hiệu quả của thuốc là tương đối lâu. Và tùy vào cơ địa của từng người mà hiệu quả điều trị là khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì dùng thuốc trong một thời gian thì thuốc mới phát huy tác dụng.
  • Với bất kỳ loại thuốc nào cũng sẽ có những tác dụng không mong muốn. Tuy thuốc Nam khá an toàn khi sử dụng, nhưng chúng tôi vẫn khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Đặc biệt, điều này thực sự cần thiết với những bệnh nhân là trẻ nhỏ, bệnh nhân có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời gian cho con bú.
  • Nếu nguyên liệu bài thuốc bạn cần phải đi mua thì bạn nên lựa chọn các cơ sở buôn bán dược liệu có uy tín, chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Điều này sẽ giúp bạn không bị mua phải dược liệu “dởm” và tránh được việc bị ngộ độc.
  • Khi có bất kì triệu chứng nào sau khi dùng thuốc như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, khó thở… Hãy liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
  • Viêm khớp là bệnh mãn tính không thể chữa khỏi trong ngày một ngày hai. Vì thế, bên cạnh việc dùng thuốc, bạn nên xây dựng cho mình một thói quen sinh hoạt lành mạnh, một chế độ ăn uống hợp lý và rèn luyện cơ thể qua các bài thể dục thể thao. Chúng sẽ góp phần cải thiện các triệu chứng của bạn và hỗ trợ việc điều trị viêm khớp đạt hiệu quả lâu dài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *