Hiện nay, sự phát triển không ngừng của nền y học đã cho ra đời rất nhiều những phương pháp chữa viêm khớp khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong việc điều trị. Bài viết này xin đưa ra những phương pháp tốt nhất trong việc điều trị viêm khớp. Từ đó, giúp bạn có thể tham khảo và đưa ra cho mình một lựa chọn phù hợp nhất.
Vì sao cần điều trị viêm khớp?
Viêm khớp là một bệnh rất phổ biến ở độ tuổi trung niên. Nó không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, mà còn trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu bệnh nhân bị tàn tật vĩnh viễn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm khớp, ví dụ như: sự thoái hóa sụn khớp, chấn thương xương khớp dẫn đến nhiễm trùng hay sự rối loạn trao đổi chất trong cơ thể (bệnh gout)… Vì vậy, việc xác định rõ nguyên nhân gây bệnh chính là cơ sở để đưa ra những chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
Mục tiêu hàng đầu trong việc điều trị, chính là làm giảm các triệu chứng do viêm khớp gây ra như: sưng, đau nhức khớp, cứng khớp. Tiếp đến là cải thiện khả năng vận động của các khớp và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong việc điều trị viêm khớp. Tuy nhiên, tùy vào mỗi loại viêm khớp mà các bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định khác nhau trong việc chữa trị. Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra 3 lựa chọn điều trị cho bệnh nhân bị viêm khớp.
3 phương pháp điều trị cho người bị viêm khớp
Với người bị viêm khớp, có 3 phương pháp thường được dùng trong việc điều trị. Đó là: điều trị nội khoa, các phương pháp điều trị tại nhà và phương pháp điều trị khác (châm cứu, bấm huyệt, vật lí trị liệu…)
Phương pháp điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc)
Việc điều trị bằng thuốc luôn là sự lựa chọn ưu tiên của bác sĩ cũng như người bệnh. Với mỗi loại viêm khớp, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc điều trị khác nhau. Tuy nhiên, những thuốc sau đây thường được sử dụng nhiều trong việc điều trị viêm khớp.
Thuốc giảm đau
Những loại thuốc này giúp giảm đau, nhưng không có hiệu lực giúp giảm viêm. Ví dụ: Acetaminophen (paracetamol) – dùng cho những cơn đau nhẹ và vừa.
Thuốc này có tác dụng phụ cần lưu ý, đó là: khi dùng với liều lượng quá mức cho phép (trong vòng 24 giờ, nếu bạn dùng 10 – 15g acetaminophen hoặc 150mg/kg cân nặng) có thể gây hoại tử tế bào gan nặng và đôi khi hoại tử ống thận.
Đối với cơn đau nghiêm trọng hơn, opioids có thể được kê đơn.
Ví dụ như tramadol (Ultram, ConZip,…), oxycodone (OxyContin, Roxicodone,…) hoặc hydrocodone (Hysingla, Zohydro ER).
Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau mạnh, chúng tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, làm mất cảm giác đau của người bệnh.
Sử dụng opioids trong thời gian dài, có thể gây nghiện. Chúng làm cho người bệnh lệ thuộc vào thuốc hơn.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Thuốc này có tác dụng làm giảm cả đau và viêm. NSAIDs bao gồm thuốc kê đơn (aspirin, ibuprofen, naproxen) và thuốc không kê đơn (celecoxib, atri naproxen,…)
NSAIDs uống có thể gây kích ứng dạ dày, một số có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Thuốc giảm đau dùng ngoài da
Các thuốc nhóm này có thể được bào chế dưới dạng kem, thuốc mỡ, dạng gel, dạng dán, dạng xịt… và được dùng trực tiếp lên khu vực bị đau (khớp tay, khớp gối, khớp vai…)
Chúng thường có chứa tinh dầu bạc hà, long não, NSAIDs, lidocain, capsaicin… Khi đặt thuốc lên da vùng đau nhức, các chất kể trên có thể cản trở việc truyền tín hiệu đau, khiến cho bệnh nhân không cảm nhận được hoặc cảm nhận được rất ít sự đau đớn do viêm khớp mang lại.
Thuốc giảm đau dùng ngoài da thường ít tác dụng phụ hơn thuốc dùng đường uống. Tuy nhiên, chúng thường chỉ có hiệu quả với một vài vị trí trên cơ thể như các khớp gần bề mặt. Vì vậy, nhóm thuốc này thường được dùng kết hợp với các thuốc đường uống hoặc tiêm để đạt được hiệu quả tốt nhất cho người bị viêm khớp.
Thuốc corticoid
Nhóm thuốc này bao gồm prednisone và cortisone. Có tác dụng làm giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch.
Corticoid có thể dùng đường uống hoặc có thể tiêm trực tiếp vào các khớp bị đau.
Thuốc này thường là lựa chọn ưu tiên của các bác sĩ trong trường hợp điều trị các triệu chứng của viêm khớp.
Tuy nhiên, việc dùng corticoid hoàn toàn phải theo sự chỉ định của bác sĩ. Bởi vì, nếu lạm dụng hay tự ý sử dụng corticoid, về lâu dài có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng tới khớp mà không thể tự phục hồi.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs)
DMARDs thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp.
Các DMARDs ức chế hệ thống miễn dịch. Từ đó, ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Một số thuốc điển hình trong nhóm: methotrexate (Trexall, Rasuvo…), hydroxychloroquine (Plaquenil)
Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học
Các thuốc này còn có tên gọi khác là DMARDs sinh học. Chúng tác động vào hệ thống miễn dịch khi xảy ra tình trạng viêm hoặc tổn thương khớp. Vì vậy, thuốc có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm các triệu chứng khó chịu kèm theo.
Phương pháp điều trị tại nhà
Với những người mới xuất hiện những triệu chứng sớm của viêm khớp, tình trạng đau nhức còn nhẹ thì những phương pháp điều trị này có thể góp phần làm giảm hoặc hạn chế đi các cơn đau ở người bệnh.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị mà bệnh nhân viêm khớp thường áp dụng tại nhà:
Giảm cân
Nếu bạn bị béo phì, đồng nghĩa với việc các khớp xương của bạn luôn phải chịu một trọng lượng lớn từ cơ thể bạn. Việc giảm cân hay luôn duy trì cân nặng ở mức cho phép sẽ làm giảm áp lực lên các khớp xương. Từ đó, giúp hạn chế việc chấn thương và thoái hóa sụn khớp.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp các khớp luôn được hoạt động một cách linh hoạt. Đặc biệt, bơi lội cũng là một trong những lựa chọn tốt nhất cho người có dấu hiệu đau nhức xương khớp.
Khi bơi, toàn bộ cơ thể sẽ phải hoạt động. Phần xương cột sống có xu hướng trườn lên phía trước giúp các cơ bắp được dẻo dai, săn chắc. Sự hoạt động nhịp nhàng của phần cơ lưng giúp cho xương cột sống được kéo giãn, tăng tính đàn hồi. Nhờ đó mà cột sống, vùng cơ lưng, vùng xương cột sống thắt lưng cũng trở nên chắc khỏe hơn.
Bơi lội thường xuyên và đúng cách sẽ làm hạn chế quá trình thoái hóa ở khớp, làm xương khớp thêm chắc khỏe. Từ đó, góp phần hiệu quả cho việc phòng tránh các bệnh đau lưng, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng làm giảm đau nhanh, giảm phù nề. Chỉ định cho những trường hợp đau cấp: đau ngay sau chấn thương, viêm chấn thương mới,… Việc chườm lạnh nên được tiến hành trong vòng 48 giờ kể từ khi bị chấn thương hoặc đau do viêm cấp.
Chườm nóng làm tăng cường tuần hoàn tại chỗ. Từ đó, nhanh chóng hấp thu các chất trung gian hóa học gây đau. Chườm nóng được sử dụng cho các cơn đau mãn tính hoặc chấn thương sau 48 giờ, ví dụ như: đau khuỷu tay do viêm gân, viêm bao gân gập – duỗi ngón,…
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ vận động
Việc sử dụng gậy chống, lót giày, khung tập đi, bệ ngồi toilet nâng cao và các thiết bị hỗ trợ khác có thể giúp bảo vệ khớp hoặc cải thiện chức năng cho xương khớp.
Mát – xa
Mát – xa (massage) là một kích thích vật lý. Đó là việc sử dụng bàn tay, ngón tay vuốt nhẹ hoặc xoa bóp, tác động vào da, các cơ nhằm làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại các khớp bị viêm. Từ đó, góp phần chống viêm, giảm phù nề và giảm đau tạm thời cho các khớp.
Bạn có thể thực hiện những động tác mát – xa đơn giản tại nhà hoặc tìm cho mình một bác sĩ vật lí trị liệu để thực hiện chúng.
Yoga và thái cực quyền
Các bài tập Yoga hoặc thái cực quyền với những động tác kéo giãn chậm rãi, có thể giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp và làm tăng phạm vi chuyển động ở người mắc viêm khớp.
Sử dụng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp
Việc ăn uống cân bằng và hợp lý giữa các nhóm thực phẩm đảm bảo cho cơ thể bạn có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Từ đó, giúp bạn có sức khỏe và hệ miễn dịch tốt để đẩy lùi bệnh tật.
Một số thực phẩm tốt cho xương khớp:
Các loại hải sản như: tôm, cua, ghẹ, sò, ốc… chứa nhiều canxi, magie, photpho là những khoáng chất tốt cho xương khớp.
Trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai giúp bổ sung canxi và vitamin D.
Các loại cá biển như: cá hồi, cá thu, cá ngừ… giàu omega-3 và omega-6, rất tốt cho người bị viêm khớp. Ngoài ra, các loại hạt và ngũ cốc như: đậu nành, đậu đen, đậu Hà Lan, vừng, hạnh nhân… cũng chứa nhiều omega-3.
Các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, xương ống, xương sườn, sụn… có chứa nhiều glucosamin và chondroitin, giúp cho sụn khớp chắc khỏe.
Điều trị bằng các phương pháp khác
Phương pháp vật lý trị liệu
Vật lí trị liệu là phương pháp sử dụng các yếu tố vật lý như: nhiệt, ánh sáng, điện từ trường, sóng âm…và các tác dụng cơ học như kéo giãn, nén ép… để điều trị giảm đau cho xương khớp.
Ngoài ra, vật lý trị liệu còn giúp cải thiện khả năng vận động và phục hồi chức năng các khớp sau chấn thương và phẫu thuật.
Phương pháp này có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác hoặc thực hiện một cách độc lập.
Thông thường, việc sử dụng vật lý trị liệu này bạn có thể tự tìm chuyên gia hoặc thông qua giới thiệu của người khác. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ là người quyết định các phương pháp trị liệu và thời gian kéo dài trong bao lâu để đạt hiệu quả.
Vì thế, bạn nên lựa chọn những trung tâm trị liệu uy tín, được cấp giấy phép hoạt động, có đội ngũ kĩ thuật viên chuyên môn cao và có chứng chỉ hành nghề, để không bị rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Phương pháp châm cứu
Châm cứu chữa viêm khớp là một phương pháp được sử dụng từ lâu đời. Đã có rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng cho thấy, phương pháp này an toàn và đem lại hiệu quả điều trị tốt.
Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng cây kim châm chuyên dụng, tác động vào các huyệt đạo để kích thích dòng năng lượng lưu thông đồng đều trong cơ thể. Từ đó, giúp đả thông kinh mạch và lưu thông khí huyết.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Y học hiện đại, châm cứu còn kích thích cơ thể sản sinh endorphin – một chất giảm đau tự nhiên, giúp giảm nhanh cảm giác đau nhức của người bệnh.
Cũng như vật lý trị liệu, phương pháp châm cứu yêu cầu bạn cần tuân theo liệu trình điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc điều trị này có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Và điều quan trọng nhất, tuy là châm cứu đem lại hiệu quả cao, giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng, nhưng nếu thực hiện sai kĩ thuật, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, bạn cần đến những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao để đảm bảo được hiệu quả châm cứu và an toàn cho sức khỏe của chính bạn.
Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị trên đều không đem lại hiệu quả cho bệnh nhân, thì phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng bác sĩ đưa ra cho bạn.
Một số phương pháp phẫu thuật cho bệnh nhân viêm khớp là:
Nội soi khớp: thủ thuật này được bác sĩ thực hiện thông qua các vết rạch nhỏ trên khớp. Phương pháp này giúp làm nhẵn bề mặt khớp, thậm chí, sửa chữa sụn bị hư hỏng để giảm đau và cải thiện chức năng của các khớp.
Thay khớp: quy trình này loại bỏ đi khớp bị hư hỏng và thay thế vào đó bằng một khớp nhân tạo. Các khớp thường được thay thế nhiều nhất là khớp hông và khớp đầu gối.
Liên hợp khớp: thủ thuật này thường được sử dụng cho các khớp nhỏ như: mắt cá chân, cổ tay, ngón tay hoặc cột sống. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sử dụng ghim hoặc các dụng cụ khác để nối hai hoặc nhiều xương với nhau, tạo thành một khớp liên tục. Theo thời gian, xương phát triển cùng nhau và lành lại thành một khối cứng.