[Tổng hợp] Thuốc trị đau nhức xương khớp hiệu quả nhất hiện nay

Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến mà rất nhiều người gặp phải hiện nay. Đặc biệt ở người già, triệu chứng này càng biểu hiện rõ rệt và nặng dần theo thời gian nếu không được điều trị. Bài viết này tổng hợp đầy đủ các thuốc điều trị đau nhức xương khớp hiệu quả nhất cho người bệnh được bác sĩ khuyên dùng.

Dùng thuốc điều trị đau nhức xương khớp ở người già – cần lưu ý những gì? 

Tùy từng người mà mức độ cũng như biểu hiện của bệnh có thể khác nhau. Ở người già, đau nhức xương khớp thường đi kèm với cứng khớp và hạn chế vận động.

Sự lão hóa tự nhiên của cơ thể diễn ra mạnh mẽ khi có tuổi. Càng về già, các chức năng sinh lý của cơ thể càng giảm sút dẫn đến quá trình hấp thu cũng như trao đổi chất bị kém. Vì vậy, cần thận trọng dùng thuốc chữa đau nhức xương khớp cho người già trong thời gian dài để tránh nguy cơ bị tác dụng không mong muốn.

Bên cạnh đó, khi dùng thuốc, người bệnh cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày. Vì đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự đào thải hay hấp thu thuốc ở người bệnh.

Điều trị đau nhức xương khớp bằng thuốc Tây y

Nếu hiện tượng đau nhức xương khớp kéo dài và nghiêm trọng thì người bệnh cần chủ động đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị. Thông thường, các loại thuốc dùng để điều trị sẽ bao gồm: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống viêm nhóm corticoid và glucosamine.

Thuốc giảm đau 

Với các trường hợp đau nhẹ thì Paracetamol luôn là lựa chọn đầu tay của bác sĩ. Những trường hợp đau nghiêm trọng thì người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc nhóm opioid.

Một số vấn đề cần lưu ý khi dùng thuốc giảm đau đó là: 

  • Paracetamol là thuốc rất thông dụng nên bệnh nhân có thể tự mua mà không cần đơn. Đối với người lớn, liều Paracetamol tối đa không được phép lớn hơn 4g/ngày. Đặc biệt, việc dùng Paracetamol liều cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến tổn thương gan hoặc suy gan, thậm chí có thể gây tử vong.
  • Đối với thuốc giảm đau nhóm opioid, một trong những tác dụng phụ cần lưu ý nhất đó là: thuốc có thể gây nghiện nếu bệnh nhân sử dụng thường xuyên trong một thời gian dài. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo những chỉ định kê đơn của bác sĩ và tuyệt đối không được tự ý sử dụng cũng như tăng liều uống của thuốc, tránh những nguy cơ gây hại đáng tiếc xảy ra khi sử dụng các thuốc opioid.
  • Ngoài ra, có một số loại thuốc giảm đau dùng ngoài như: gel Voltaren, kem Capzasin… Các thuốc nhóm này thường có chứa tinh dầu bạc hà, long não, NSAIDs, lidocain, capsaicin… Khi bôi thuốc trực tiếp lên da vùng đau nhức, các chất trên có thể cản trở việc truyền tín hiệu đau, khiến cho bệnh nhân không cảm nhận được hoặc cảm nhận được rất ít sự đau nhức.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

  • Hiện nay, NSAIDs là nhóm thuốc được sử dụng điều trị phổ biến nhất do tác dụng hiệu quả mà thuốc mang lại. Bên cạnh tác dụng giảm đau, NSAIDs còn hỗ trợ giảm sưng viêm tại vị trí tổn thương, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ tay, cổ chân…
  • Tác dụng phụ của NSAIDs là: gây kích ứng dạ dày. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày- tá tràng. 
  • Một số thuốc trong nhóm thường được sử dụng như Ibuprofen, Aspirin, Naproxen… có thể được sử dụng mà không cần kê đơn.
  • Thuốc không thích hợp sử dụng cho một số đối tượng như người xơ gan, suy giảm chức năng gan, thận nặng, người sử dụng rượu bia. 
  • Việc dùng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, đặc biệt là đối tượng người già sử dụng thuốc để điều trị đau nhức xương khớp.

Thuốc chống viêm nhóm Corticoid

  • Các trường hợp đau nhức xương khớp do viêm khớp thì nhóm thuốc này luôn được dùng để điều trị cho người bệnh.
  • Hiệu quả điều trị cho bệnh nhân viêm khớp là rất cao. Tuy nhiên, khi dùng corticoid lâu dài, thuốc gây suy tuyến thượng thận, tăng cân do giữ muối nước, loét dạ dày tá tràng, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tăng nhãn áp, loãng xương, làm trẻ chậm phát triển chiều cao…
  • Về tác dụng phụ trên xương: sử dụng corticoid liều cao trong thời gian dài sẽ ức chế sự phát triển xương và sụn, do đó làm chậm phát triển chiều cao, gây lùn ở trẻ. Đối với người trưởng thành, ở liều sinh lý corticoid có tác dụng tích cực trên chuyển hóa calci và xương. Tuy nhiên, ở liều điều trị và dùng kéo dài sẽ gây mất xương. Có đến 30-50% bệnh nhân bị gãy xương không có chấn thương khi sử dụng corticoid liều cao và kéo dài, đó là do corticoid làm tăng tiêu xương (tăng chức năng hủy cốt bào). Sự hoại tử xương không do nhiễm khuẩn và teo cơ là tác dụng phụ nguy hiểm nhất của corticoid, thường xảy ra ở đầu xương cánh tay hay đầu xương đùi, gây đau dữ dội và giảm cử động.

Glucosamine

  • Glucosamine là đường tự nhiên mà cơ thể có thể tự sản sinh để tạo sụn. Các tác dụng chính của glucosamine có thể kể đến như giảm các cơn đau khớp, tăng cường bôi trơn khớp, đảm bảo hoạt động bình thường của các sụn khớp và chất hoạt dịch.
  • Ở người bệnh viêm khớp, các sụn bị tổn thương và thoái hóa. Sử dụng glucosamine giúp hỗ trợ thúc đẩy quá trình tái tạo sụn mới, phục hồi sụn khớp bị tổn thương.
  • Việc thiếu hụt glucosamine ở người lớn tuổi được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng giảm sản xuất chất hoạt dịch, mất lớp bảo vệ khớp trước các yếu tố tấn công. 
  • Do glucosamine là một đường amin của cơ thể cần thiết cho việc tạo lớp hoạt dịch khớp nên hoạt chất gần như không gây ảnh hưởng có hại nào với cơ thể. 
  • Hiện nay, glucosamine ngày càng được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp. Kết quả trên lâm sàng cho thấy glucosamine có tác dụng tốt trong việc giảm thiểu các cơn đau nhức, sưng vùng khớp tổn thương và giảm sự phát triển của bệnh.

6 bài thuốc Nam chữa đau nhức xương khớp

Các vị thuốc Nam dùng để chữa đau nhức xương khớp dường như đã trở nên quen thuộc với chúng ta, nhất là đối với người già. Bởi vì, thuốc Nam là sự chắt lọc và đúc rút từ kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của ông cha ta, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dưới đây là 6 bài thuốc Nam điển hình có tác dụng cực hiệu quả trong việc chữa đau nhức xương khớp.

Bài thuốc từ thân dây đau xương

Theo Y học cổ truyền, thân dây đau xương chủ trị phong thấp tê bại, đau nhức cơ khớp.mm

Dây đau xương được thu hái quanh năm. Cách chế biến là cắt lấy phần thân già, phân loại to nhỏ, thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô.

Cách dùng: dùng dạng thuốc sắc hay ngâm rượu để uống hoặc dùng ngoài. 

Liều lượng: ngày dùng từ 12g đến 20g.

Bài thuốc từ hạt mã tiền

Hạt mã tiền có công năng: thông kinh hoạt lạc giảm đau, mạnh gân cốt, tán tiêu sưng. 

Chủ trị: Phong thấp, tê, bại liệt; đau khớp dạng phong thấp, nhức mỏi chân tay, đau dây thần kinh, sưng đau do chấn thương, nhọt độc sưng đau.

Cách bào chế: lấy hạt mã tiền sạch, sao với cát sạch cho đến khi  có màu nâu thẫm hoặc màu hạt dẻ sẫm. Khi ngoài vỏ có đường tách nẻ thì đổ hạt và cát ra; rây bỏ hết cát, cho hạt vào máy rây sạch lông nhung đã bị cháy. 

Hạt mã tiền tẩm dầu vừng: cho hạt mã tiền sạch vào nước hoặc nước vo gạo, ngâm một ngày đêm (hay cho hạt mã tiền vào nước đun sôi, lấy ra, lại ngâm nước, rồi lại lấy ra vài lần như vậy, cho đến khi thấy mềm). Lấy hạt, cạo bỏ vỏ  hạt, bỏ cây mầm thái mỏng, sấy khô, tẩm dầu vừng (mè) một đêm, lấy ra sao đến màu vàng, để nguội cho vào lọ đậy kín bảo quản.

Cách dùng: dùng mã tiền chế, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Liều lượng: người lớn 0,05 g/lần (liều tối đa 0,10g/lần), 3 lần/ngày. Trẻ em từ 2 tuổi trở xuống không được dùng. Trẻ em từ 3 tuổi trở lên, dùng 0,005 g cho mỗi tuổi. 

Chú ý: không dùng quá liều quy định. Dùng quá liều có thể gây ngộ độc (do 2 chất strychnin và brucin có trong mã tiền): chân tay co giật, khó thở, nặng thì có thể hôn mê. 

Kiêng kỵ: không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú.

Bài thuốc từ rễ cây nhàu

Rễ nhàu có thể chữa đau nhức xương khớp, huyết áp cao, phụ nữ sau khi sinh bị yếu mệt. Ngoài ra còn có thể làm tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cách chế biến: đào rễ về rửa sạch đất cát, chặt thành khúc nhỏ đem phơi hoặc sấy khô.
Cách dùng: dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.

Liều lượng: ngày dùng từ 30g đến 40g.

Bài thuốc từ rễ cốt khí

Theo Đông y, rễ củ của cây cốt khí dùng để chữa đau nhức gân cốt, tê bì chân tay, mỏi lưng, phong tê thấp, ho nhiều đờm, mụn nhọt lở loét.

Cách chế biến: đào lấy rễ củ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch. Sau đó, cắt đoạn hoặc đem thái mỏng, phơi hay sấy khô. Trước khi dùng sao vàng.
Cách dùng: sắc nước uống hoặc dùng ngoài (sắc lấy nước để bôi, rửa hoặc chế thành cao để bôi)

Liều lượng: ngày dùng từ 9 đến 15g.

Bài thuốc từ thân rễ thổ phục linh

Thổ phục linh có công năng trừ thấp, giải độc, lợi niệu, thông lợi các khớp. Vì vậy, dùng để điều trị: tràng nhạc, lở ngứa, giang mai, tiếu đục, xích bạch đới, đau nhức xương khớp, trúng độc thủy ngân.

Cách chế biến: vào mùa hạ và mùa thu, đào lấy thân rễ, loại bỏ rễ con, rửa sạch. Sau đó phơi, sấy khô hoặc đang lúc tươi, thái lát mỏng rồi đem phơi hoặc sấy khô. 

Cách dùng: dạng thuốc sắc, cao thuốc hoặc hoàn tán.

Liều lượng: ngày dùng từ 12g đến 30g.

Bài thuốc từ vỏ thân cây đỗ trọng

Đỗ trọng theo Y học cổ truyền có công năng: bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, hạ áp, dùng để trị: đau nhức lưng gối, xương khớp, gân cốt vô lực, di tinh, liệt dương, động thai ra máu, lưu thai chóng mặt, hoa mắt, tăng huyết áp.

Cách chế biến: đỗ trọng thái miếng: cạo vỏ thô còn sót lại, rửa sạch, thái miếng hoặc sợi còn tơ, phơi khô, dùng sống hoặc chế. Diêm đỗ trọng (chế muối): lấy đỗ trọng thái miếng, tẩm nước muối trong 2h (1 kg đỗ trọng dùng 30g muối trong 200ml nước), sau đó đem sao vàng, đứt tơ là được; hoặc sao đen khi mặt ngoài màu đen sẫm, khi bẻ gãy thấy tính đàn hồi tơ kém so với khi chưa sao. Vị hơi mặn.

Cách dùng: dạng thuốc sắc hoặc tán.

Liều lượng: ngày dùng từ 6g đến 9g.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *