[Thực hư] Chữa đau xương khớp bằng lá lốt

Không chỉ hay xuất hiện trong bữa cơm gia đình, lá lốt còn được mọi người sử dụng như một loại thảo dược với công dụng chữa đau nhức xương khớp. Liệu công dụng của lá lốt có thực sự hiệu quả như thế không? Mời bạn đọc tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây

Lá lốt – cây thuốc Nam trị đau nhức xương khớp cực hiệu quả

Theo Y học cổ truyền, lá lốt có vị cay nồng, tính ấm, quy kinh tỳ, can, mật; chủ trì bệnh phong hàn, tê bì tay chân, lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa… Dân gian thường lấy lá lốt để điều trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân, mụn nhọt trong miệng… đặc biệt là chữa đau nhức xương khớp khi trời trở lạnh.

Các nghiên cứu của Y học hiện đại đã phân tích và chứng minh được trong lá lốt có chứa tinh dầu cùng nhiều chất chống oxy hóa. Cụ thể hai thành phần quan trọng nhất trong lá lốt có khả năng tác động trực tiếp lên cơ chế đau nhức xương khớp, đó là: Flavonoid và Alkaloid. 

  • Flavonoid là một chất có tác dụng chống viêm hiệu quả. Nó ức chế con đường sinh tổng hợp Prostaglandin thông qua cơ chế điều hòa miễn dịch. Bên cạnh đó, Flavonoid thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái tạo xương nhờ vào việc kích thích sản xuất collagen type 2 tại sụn khớp.
  • Alkaloid có tác dụng ức chế thần kinh trung ương nhằm giảm các cảm giác đau nhức do viêm khớp gây ra. 

Tổng hợp 6 bài thuốc Nam “bất bại’ trị đau nhức xương khớp từ lá lốt

Lá lốt có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để tăng thêm hiệu quả giảm đau nhức xương khớp. Người bệnh có thể dùng dưới dạng thuốc uống, xoa bóp, thậm chí nấu thành món ăn để sử dụng… Dưới đây là 6 bài thuốc từ lá lốt hiệu quả nhất cho người bệnh.

Sắc lá lốt để uống

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 5 – 10g lá lốt đã phơi khô hoặc 15 – 30g lá lốt tươi, sắc với 400ml nước
  • Sắc đến khi còn khoảng 200ml nước thì chia thành 2 – 3 lần và uống hết trong ngày
  • Áp dụng đều đặn mỗi ngày đến khi các triệu chứng bệnh lý thuyên giảm

Chườm lá lốt kết hợp với muối trắng (muối biển)

Người bệnh có thể kết hợp bài thuốc này với việc dùng thuốc bằng cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị khoảng 1 – 2 nắm lá lốt tươi, sau khi ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng thì để ráo.
  • Sau đó cho dược liệu vào chảo sao nóng cùng với 100 gam muối biển. Đến khi chuyển sang màu vàng, có mùi thơm thì tắt bếp
  • Cho tất cả vào túi vải sạch và chườm đắp lên vùng khớp bị sưng đau
  • Bạn có thể thực hiện liên tục nếu khớp vẫn còn sưng đau và chưa có dấu hiệu thuyên giảm

Ngâm chân với lá lốt 

Bài thuốc dân gian này được khá nhiều người biết đến và sử dụng. Khi ngâm chân với lá lốt trong nước ấm, nhiệt độ sẽ giúp làm giãn mạch máu, từ đó tinh dầu trong lá lốt thấm sâu vào kinh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, đồng thời giúp giảm bớt những cơn đau tại các khớp. Cách làm là:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi, rửa sạch rồi đun sôi với 1 lít nước khoảng 3 phút
  • Sau đó hòa với muối biển cho thành nước ấm và ngâm chân trước khi đi ngủ
  • Nên áp dụng đều đặn từ 5 – 7 ngày để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khác do bệnh lý gây ra

Xoa bóp bằng rượu lá lốt 

Lá lốt ngâm với rượu để xoa bóp cũng có tác dụng hiệu quả giúp giảm đau nhức xương khớp. Cách thực hiện:

  • Thu hái lá lốt gồm cả thân, lá và rễ; làm sạch và băm nhỏ.
  • Ngâm 1 lít rượu trắng với lá lốt đã băm nhỏ trong vòng 1 tháng là có thể sử dụng
  • Dùng rượu ngâm lá lốt mỗi ngày 2-3 lần, xoa bóp nhẹ nhàng lên những chỗ đau nhức ở xương khớp.
  • Kiên trì dùng 2-3 tháng sẽ thấy được hiệu quả giảm đau và giúp các khớp được thư giãn
  • Lưu ý: Không dùng rượu lá lốt trực tiếp lên các vết thương hở.

Lá lốt kết hợp với thiên niên kiện và gai tầm xoọng

Gai tầm xoọng hay còn có tên gọi khác là cam trời, quýt rừng, độc lực…Theo Y học cổ truyền, loại thảo dược này có công dụng giảm đau nhức, trừ tà, thông kinh hoạt lạc, làm tan huyết ứ. Do đó, nhân dân thường tận dụng gai tầm xoọng để chữa các bệnh liên quan đến xương khớp.

Thiên niên kiện cũng là một loại dược liệu có công dụng chữa đau nhức xương khớp. Ngày nay, nghiên cứu y học hiện đại cũng đã chứng minh được những công dụng như: chống viêm, thúc đẩy lưu thông khí huyết, giảm đau nhức của thiên niên kiện với người bệnh.

Lá lốt kết hợp với gai tầm xoọng và thiên niên kiện làm tăng tác dụng giảm đau, giải phóng huyết ứ, tiêu viêm ở ổ khớp bị tổn thương. Thực hiện bài thuốc này đều đặn trong vòng 1 tuần sẽ nhận thấy các cơn đau nhức và sưng tấy ở khớp được thuyên giảm một cách đáng kể.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị gai tầm xoọng 16g, lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g. Sau khi đó sắc với 400ml nước
  • Sắc đến khi còn 100ml thì tắt bếp, chia phần nước thu được thành 2 lần và uống hết trong ngày
  • Mỗi ngày dùng 1 thang, sử dụng đều đặn từ 7 – 8 ngày

Lá lốt kết hợp với ngải cứu

Ngải cứu và lá lốt đều có tính ấm, công dụng hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. Dân gian thường áp dụng bài thuốc chườm đắp từ ngải cứu kết hợp với lá lốt để làm giảm nhẹ cơn đau xương khớp, cải thiện tình trạng sưng viêm, cứng khớp và tê bì chi dưới. Ngoài ra, bài thuốc này còn có tác dụng tăng tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất và oxy đến cột sống, phục hồi tổn thương ở khớp.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm ngải cứu và 1 nắm lá lốt. Sau đó, rửa sạch dược liệu, đem để ráo nước và cắt nhỏ, rồi cho vào chảo sao nóng.
  • Dùng khăn vải bọc lại rồi chườm đắp lên khu vực cần điều trị đến khi nguội hẳn
  • Áp dụng đều đặn 2 lần/ ngày (nên chườm vào mỗi tối trước khi ngủ để hạn chế tình trạng cứng khớp vào buổi sáng)

Lá lốt kết hợp với nhiều loại thảo dược khác

Bên cạnh những bài thuốc trên, lá lốt kết hợp với rễ bưởi bung, vòi voi và cỏ xước cũng là một bài thuốc dân gian được nhiều người dùng để giảm đau nhức xương khớp

Cách làm:

  • Chuẩn bị: lá lốt, rễ bưởi bung, vòi voi và cỏ xước với liều lượng bằng nhau. Sau đó đem rửa sạch, thái mỏng rồi sao vàng cho khô
  • Lấy mỗi loại 15g rồi sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ đến khi còn 200ml. Bỏ bã, chia đều nước sắc làm 3 lần uống/ ngày. Nên dùng liên tục 1 tuần để nhận được kết quả tốt.

Gợi ý thực đơn với lá lốt – vừa ngon miệng, vừa giảm đau nhức xương

Bên cạnh những bài thuốc dân gian kể trên, người bệnh có thể bổ sung lá lốt vào chế độ ăn hàng ngày giúp giảm đau nhức xương khớp hiệu quả. Dưới đây là gợi ý một số món ngon với lá lốt cho thực đơn hàng ngày của bạn.

Chả lá lốt

  • Chuẩn bị khoảng 20 lá lốt to và dày, 300g thịt lợn băm, hành ngò và gia vị (hạt tiêu, mắm, muối…)
  • Lá lốt ngâm nước muối 10 phút rồi rửa lại cho sạch và để ráo
  • Băm thịt rồi trộn đều với gia vị cùng hành ngò
  • Lấy thịt vừa đủ cho vào giữa lá lốt rồi cuộn lại từng chiếc cho đến khi hết nguyên liệu
  • Làm nóng chảo với dầu rồi thả chả lá lốt vào chiên vàng đều 2 mặt
  • Bày ra đĩa và ăn cùng cơm nóng cùng các món ăn khác

Có thể thay thịt lợn thành thịt bò và nướng lên thay vì chiên, ta được món bò cuốn lá lốt cũng thơm ngon và lạ miệng không kém gì chả lá lốt.

Trứng rán lá lốt

  • Chuẩn bị 3 – 5 lá lốt tươi và 4 quả trứng gà ta
  • Lá lốt ngâm rửa nước muối loãng, để ráo rồi thái nhỏ
  • Đập trứng gà vào bát rồi trộn đều với lá lốt và gia vị
  • Làm nóng chảo với dầu, sau đó đổ trứng vào rán 
  • Ăn cùng với cơm và các món khác trong bữa ăn hằng ngày

Cháo lá lốt

  • Chuẩn bị 50g lá lốt, 100g thịt lợn băm và 250g gạo tẻ
  • Lá lốt rửa sạch rồi cắt nhỏ
  • Vo sạch gạo, sau đó ninh nhừ với thịt băm
  • Nêm gia vị vừa ăn rồi cho lá lốt vào đảo đều, đợi đến khi cháo sôi thì tắt bếp

6 lưu ý người bệnh cần nhớ khi dùng lá lốt chữa đau nhức xương khớp 

Những bài thuốc giảm đau nhức xương khớp bằng lá lốt tuy được lưu truyền và sử dụng rộng rãi nhưng thường chỉ giúp cải thiện những triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Vì vậy, chúng ta không nên quá lạm dụng hay kỳ vọng vào những bài thuốc này để thay thế những chỉ định điều trị nào của bác sĩ. Dưới đây là 6 điều người bệnh cần ghi nhớ để không mắc sai lầm khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn:

  • Trên thực tế, các bài thuốc từ lá lốt chỉ đáp ứng với các cơn đau nhức xương khớp có mức độ nhẹ và vừa. Với các trường hợp đau dữ dội thì các mẹo chữa này đôi khi không có hiệu quả. Lúc này, người bệnh cần được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 
  • Tùy vào cơ địa từng người mà hiệu quả và thời gian phát huy tác dụng của các bài thuốc này cũng khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì dùng thuốc trong khoảng thời gian dài để cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp. 
  • Khi dùng các bài thuốc, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường như: nổi mề đay, ngứa, khó thở, tiêu chảy… người bệnh cần dừng thuốc và đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
  • Những người đang bị nhiệt, nóng trong người hay táo bón thì không nên sử dụng lá lốt.
  • Chỉ nên dùng lá lốt đối đa 100g/ ngày. Phụ nữ mang thai hay đang nuôi con bú không nên sử dụng lá lốt để chữa đau nhức xương khớp.
  • Kết hợp phương pháp điều trị theo Y học hiện đại với chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý và các bài thuốc từ lá lốt để đạt hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *