Thoái hóa khớp gối – Điều trị như thế nào?

Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh luôn quan tâm đến việc điều trị như thế nào cho chóng khỏi. Bài viết dưới đây tổng hợp 3 liệu pháp điều trị thoái hóa khớp gối được dùng nhiều nhất hiện nay.

Thoái hóa khớp có chữa dứt điểm được hay không?

Thoái hóa khớp là bệnh đặc trưng thường thấy do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Ở người trưởng thành các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo. Mặt khác cùng với sự lão hóa của cơ thể khi già đi, các tế bào sụn cũng dần mất đi chức năng tổng hợp chất nền làm cho chất lượng sụn suy giảm.

Bệnh tiến triển một cách âm thầm, dai dẳng và gần như không thể trị dứt điểm hoàn toàn. Việc điều trị bằng thuốc hay bằng các phương pháp khác đa phần với mục đích cải thiện các triệu chứng do thoái hóa gây ra, hạn chế sự tiến triển của bệnh và hỗ trợ phục hồi, tái tạo sụn khớp.

3 liệu pháp điều trị thoái hóa khớp gối phổ biến nhất hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên 3 phương pháp được liệt kê sau đây là hầu hết đều được sử dụng cho người bệnh

Liệu pháp điều trị bằng thuốc Tây

Thuốc giảm đau, chống viêm

Các thuốc giảm đau và thuốc chống viêm thường được sử dụng nhiều để giảm bớt cơn đau nhức cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Bao gồm:

  • Thuốc không kê đơn như: Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc Naproxen natri (Aleve)… Lưu ý, không nên dùng các thuốc trên quá 10 ngày. Trường hợp dùng thuốc không đỡ nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định thuốc khác
  • Thuốc kê đơn có: OxyContin, Celecoxib (Celebrex), Diclofenac (Voltaren), Ibuprofen (Motrin), Naproxen (Anaprox, Naprosyn), Piroxicam (Feldene), Sulindac (Clinoril)… Cần thận trọng với các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc như: viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày…

Thuốc tiêm corticosteroid

Những bệnh nhân bị thoái hóa nặng sẽ có nhiều tổn thương nghiêm trọng tại khớp. Chính điều này là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn, vi rút tấn công gây ra những cơn đau dữ dội. Khi các thuốc đường uống không đủ hiệu lực giúp giảm đau thì bắt buộc bệnh nhân phải tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp.

Corticosteroid có thể làm dịu viêm và giảm sưng đau nhanh chóng cho những khớp đang gặp tình trạng viêm. Tuy nhiên kết quả thường chỉ kéo dài vài tuần đến vài tháng, một số bệnh nhân được lâu hơn. 

Việc tiêm corticosteroid cần theo yêu cầu của bác sĩ, bệnh nhân không được tự ý đi tiêm khi chưa có chỉ định. Tác dụng phụ khi lạm dụng tiêm corticosteroid là tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng và tổn thương các phần quanh khớp.

Thuốc bổ sung chất nền

Một số nghiên cứu y tế gần đây đã chỉ ra rằng, các chất bổ sung glucosamine và chondroitin có thể làm giảm đau ở một số người bị viêm xương khớp, đặc biệt là ở đầu gối. 

SAMe (S- Adenosylmethionine) là một hợp chất được sản xuất tự nhiên trong cơ thể có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể có hiệu quả như một loại thuốc chống viêm cho bệnh xương khớp.

Việc bổ sung chất nền cho sụn khớp nên được thực hiện càng sớm càng tốt với người bệnh thoái hóa. Tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn những loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của bản thân.

Thuốc tiêm Hyaluronic acid (HA)

Hyaluronic acid hay được biết đến như một loại chất nhờn cho khớp gối. Liệu pháp tiêm HA vào khớp gối có tác dụng trong điều trị bệnh từ mức độ từ trung bình đến nặng vừa. Nó có ích lợi đặc biệt đối với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thông thường, không dung nạp được thuốc, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, liệu pháp này khá tốn kém và cần được thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín vì thủ thuật cần tay nghề chuyên môn cao.

Các dạng HA được tiêm bao gồm Euflexxa, Hyalgan, Orthovisc, Supartz và Synvisc. Tiêm axit hyaluronic có thể giúp giảm đau do thoái hóa khớp gối. Thường là hộp 5 ống chứa 2- 2,5ml acid hyaluronic, tiêm nội khớp gối 1 ống/tuần trong 5 tuần liên tục. Thuốc chỉ có hiệu quả khi tiêm hết 3 lần (synvisc) hoặc 5 tuần (hyalgan). 

Loại thuốc này có độ dung nạp khá tốt. Trong một số ít trường hợp chỉ gặp đau nơi tiêm, phản ứng viêm tại chỗ, đau cơ, đau khớp, cảm giác mệt mỏi. Các triệu chứng này chỉ thoáng qua, sau 2-3 ngày là biến mất và thường chỉ gặp trong lần tiêm đầu tiên.

Liệu pháp điều trị bằng Đông y

Phương pháp điều trị bằng Đông y có tác dụng chữa đau khớp gối khi bệnh mới khởi phát, ở mức độ nhẹ. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì sử dụng thì mới cải thiện tình trạng thoái hóa.

Trị liệu bằng Đông y bao gồm nhiều phương pháp như: bài thuốc uống, châm cứu, bấm huyệt… 

Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh

  • Thành phần:

Độc hoạt: 12 g 

Quế chi: 8g

Phòng phong: 8 g 

Đương quy: 8 g 

Tế tân: 8 g 

Xuyên khung: 8 g 

Tần giao: 8 g 

Bạch thược: 8 g 

Tang ký sinh: 8 g 

Thục địa: 8 g 

Đỗ trọng chích muối: 8g 

Nhân sám: 8 g 

Ngưu tất: 8 g 

Thục linh: 8 g 

Cam thảo: 8 g

Mỗi vị được bào chế riêng chuyên luận “Thuốc thang” {Phụ lục 1.23 – Dược điển Việt Nam)

  • Cách thực hiện

Thuốc sắc, ngày uống 1 thang, uống trước bữa ăn.

Bài thuốc hàn thấp thang

  • Thành phần:

Thổ phục linh: 20g

Trinh nữ (sao vàng): 20g

Thiên niên kiện: 20g

Lá lốt khô: 10g

Ngưu tất: 10g

Trần bì (sao vàng): 10g

Cam thảo nam (sao vàng): 10g

Bán hạ chế: 5g

Quế thông: 5g

  • Cách làm:

Các vị cho vào 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày. Người lớn ngày uống 1 thang. Trẻ em 2 ngày uống 1 thang. Một đợt điều trị uống 6-10 thang tùy theo bệnh nặng nhẹ.

Châm cứu, bấm huyệt

Thầy thuốc sẽ dùng kim chuyên dụng để châm lên các huyệt hoặc tác động trực tiếp lên huyệt giúp người bệnh giảm đau và lưu thông máu đến các khớp thoái hóa.

Bệnh nhân cũng nên tham khảo và lựa chọn những cơ sở uy tín để đảm bảo các kỹ thuật này được thực hiện một cách an toàn, đúng kỹ thuật nhất.

Liệu pháp can thiệp bằng phẫu thuật

Khi thoái hóa khớp tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng, các phương pháp trên không có hiệu quả thì bệnh nhân buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Tùy vào mức độ tổn thương của sụn khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng kỹ thuật can thiệp nào. 

Nội soi khớp

Thực hiện bằng cách sử dụng một kính viễn vọng nhỏ (máy nội soi khớp) và các dụng cụ khác. Phẫu thuật được thực hiện thông qua các vết mổ nhỏ. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng nội soi khớp để nhìn vào không gian khớp. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ sụn bị hư hỏng hoặc các phần tử lỏng lẻo, làm sạch bề mặt xương và sửa chữa các loại mô khác nếu những tổn thương đó được phát hiện. Thủ thuật này thường được áp dụng cho bệnh nhân trẻ hơn (từ 55 tuổi trở xuống) để trì hoãn cuộc phẫu thuật nghiêm trọng hơn.

Phẫu thuật nắn xương

Thủ thuật này nhằm mục đích làm cho sự liên kết của đầu gối tốt hơn bằng cách thay đổi hình dạng của xương. Loại phẫu thuật này có thể được khuyên dùng nếu bạn bị tổn thương chủ yếu ở một vùng của đầu gối hoặc bị gãy đầu gối chưa lành hẳn. Phương pháp này có thể không vĩnh viễn vì có thể cần phải phẫu thuật lại sau này.

Phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình khớp

Là một thủ tục phẫu thuật trong đó khớp được thay thế bằng các bộ phận nhân tạo làm từ kim loại hoặc nhựa. Việc thay thế có thể liên quan đến một bên đầu gối hoặc toàn bộ đầu gối. Phẫu thuật thay khớp thường dành cho những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng. Có thể cần phải làm lại phẫu thuật sau đó nếu khớp giả bị mòn sau vài năm. Nhưng với những tiến bộ hiện đại ngày nay, hầu hết các khớp nối mới sẽ có tuổi thọ trên 20 năm.

5 lời khuyên hữu ích của chuyên gia đến người bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối tiến triển theo thời gian nên người bệnh không nên chủ quan. Ngoài việc chú trọng điều trị thì bệnh nhân có thể kết hợp các biện pháp hỗ trợ để tăng hiệu quả điều trị bệnh như:

  • Xây dựng thói quen sinh hoạt hợp lý, ăn uống lành mạnh để kiểm soát cân nặng.
  • Hạn chế làm những công việc gây áp lực lớn cho khớp: bưng, bê, vác… đồ nặng; đi giày cao gót…
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ cho xương khớp như: đeo nẹp, đệm chống sốc, gậy… Các thiết bị này giúp hỗ trợ và duy trì ổn định chức năng của khớp gối, nhất là khi di chuyển.
  • Có thể dùng kem hoặc thuốc mỡ để giảm bớt các cơn đau vừa phải do thoái hóa gây ra.
  • Lựa chọn những bài luyện tập nhẹ nhàng, phù hợp để tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt của khớp gối.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *