Thoái hóa đốt sống cổ – cách điều trị và phòng tránh

Thoái hóa đốt sống cổ là một tình trạng phổ biến ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, một số người không có biểu hiện quá nghiêm trọng và vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Vậy cách phòng tránh thoái hóa đốt sống cổ và phương pháp điều trị bệnh hiện nay là gì? Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ theo Y học hiện đại

Điều trị thoái hóa đốt sống cổ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà người bệnh đang gặp phải. Mục tiêu của điều trị là giảm đau, duy trì các hoạt động bình thường, ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho tủy sống và dây thần kinh.

Điều trị không phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp thoái hóa đốt sống cổ đều được ưu tiên trị liệu bằng các phương pháp không cần phẫu thuật như: vật lý trị liệu, sử dụng thuốc… Cụ thể là: 

Phương pháp vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường là phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ đầu tiên mà bác sĩ sẽ đề nghị với bạn. Các bài tập cụ thể có thể giúp giảm đau cũng như tăng cường và kéo căng các cơ ở cổ bị suy yếu hoặc căng cứng.

Trong một số trường hợp, vật lý trị liệu có thể bao gồm liệu pháp tư thế hoặc sử dụng lực kéo để kéo căng nhẹ các khớp và cơ ở cổ của bạn. Các chương trình vật lý trị liệu có độ dài khác nhau. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 6 đến 8 tuần. Thông thường, các buổi trị liệu được thực hiện từ 2 – 3 lần mỗi tuần.

Điều trị bằng thuốc

Trong giai đoạn đầu điều trị, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc riêng biệt hoặc kết hợp cùng nhau để cả tình trạng đau và viêm do thoái hóa đốt sống cổ. Các loại thuốc điển hình có thể kể đến:

  • Acetaminophen: là thuốc giảm đau dùng cho các trường hợp đau 
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): thường được kê đơn cùng với acetaminophen. Các NSAID như ibuprofen và naproxen được coi là thuốc điều trị đau cổ điển hình nhất. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh của bạn mà các thuốc sẽ được kê trong một thời gian cụ thể. Các loại thuốc giảm đau khác có thể được xem xét nếu bạn không dùng được NSAID.
  • Corticosteroid đường uống: một đợt uống corticosteroid ngắn có thể giúp giảm đau thông qua cơ chế giảm viêm.
  • Thuốc giãn cơ: các loại thuốc như cyclobenzaprine hoặc carisoprodol có thể được sử dụng để điều trị chứng co thắt cơ gây đau đớn.

Nẹp hỗ trợ cổ 

Thiết bị này là một vòng đệm quấn quanh cổ và được giữ cố định bằng khóa dán. Bác sĩ có thể khuyên bạn đeo nẹp cổ này để hạn chế cử động cổ và cho phép các cơ ở cổ được nghỉ ngơi. Chỉ nên sử dụng thiết bị hỗ trợ này trong thời gian ngắn vì nếu đeo lâu có thể làm giảm sức mạnh của các cơ ở cổ.

Chườm nóng, chườm lạnh và các phương thức khác

Bác sĩ có thể đưa ra một vài biện pháp hỗ trợ giúp bạn điều trị thoái hóa đốt sống cổ, ví dụ: chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp hoặc các liệu pháp tại chỗ khác để giúp giảm các triệu chứng.

Thuốc tiêm steroid

Các thủ thuật phổ biến nhất cho chứng đau cổ do thoái hóa đốt sống cổ bao gồm:

Tiêm steroid ngoài màng cứng

Trong thủ thuật này, steroid và thuốc gây mê được tiêm vào khoảng trống bên cạnh màng bọc của tủy sống (không gian “ngoài màng cứng”). Thủ thuật này thường được sử dụng cho chứng đau cổ, đau cánh tay hoặc cả hai do thoát vị đĩa đệm cổ, hay còn được gọi là bệnh “chèn ép dây thần kinh”.

Tiêm cạnh cột sống cổ (khớp liên mấu)

Trong quy trình này, steroid và thuốc gây mê được tiêm vào khớp liên mấu. Các khớp này nằm ở phía sau của cổ và duy trì mọi chuyển động của cổ. Thủ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp đau cột sống cổ mạn tính có hoặc không có dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp liên mấu.

Cắt bỏ dây thần kinh bằng tần số vô tuyến

Thủ thuật này có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị trong một số trường hợp đau khớp cổ mãn tính.

Trong phần chẩn đoán, dây thần kinh của khớp cổ bị chặn bằng thuốc gây tê cục bộ. Nếu cơn đau của bạn thuyên giảm thì bác sĩ có thể đã xác định chính xác nguồn gốc của cơn đau cổ của bạn. Nếu cơn đau không giảm bớt, bác sĩ có thể tiến hành thực hiện cắt dây thần kinh bằng tần số vô tuyến bằng cách sử dụng nhiệt tạo ra bởi sóng vô tuyến để nhắm vào các dây thần kinh cụ thể và tạm thời tắt khả năng gửi tín hiệu đau của chúng.

Kỹ thuật này có hiệu lực giảm đau kéo dài trong vài tháng. Tuy nhiên, nếu dây thần kinh được phục hồi, cơn đau cổ có thể quay trở lại.

Mặc dù ít xâm lấn hơn phẫu thuật, nhưng việc tiêm steroid chỉ được chỉ định sau khi bác sĩ đánh giá đầy đủ về tình trạng thoái hóa đốt sống cổ. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về những rủi ro và lợi ích của việc tiêm steroid đối với tình trạng cụ thể của bạn.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật thường không được khuyến khích đối với chứng thoái hóa đốt sống cổ và đau cổ trừ khi bác sĩ của bạn xác định rằng:

  • Một dây thần kinh cột sống đang bị chèn ép bởi một đĩa đệm hoặc xương thoát vị (bệnh lý đốt sống cổ)
  • Tủy sống của bạn đang bị chèn ép (bệnh lý tủy sống cổ)

Những bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh tiến triển, chẳng hạn như: tê, yếu cánh tay, không đứng vững khi đi lại hoặc bị ngã… có nhiều khả năng được phẫu thuật hỗ trợ.

Đôi khi, phẫu thuật có thể được khuyến nghị nếu bạn bị đau cổ dữ dội (không có chèn ép dây thần kinh) mà không thuyên giảm bằng điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào bị đau cổ dữ dội cũng được chỉ định phẫu thuật. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất của bệnh hoặc các nguyên nhân khác gây ra cơn đau ở khớp cổ (chẳng hạn như đau cơ xơ hóa).

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Bên cạnh việc điều trị, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm các triệu chứng nếu bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây ra nhiều đau đớn cho họ. Các biện pháp có thể kể đến: 

Sử dụng thuốc 

Hầu hết mọi người có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để kiểm soát tình trạng đau đớn của mình.

Bao gồm các:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), điển hình là: Ibuprofen; Naproxen… 
  • Thuốc giảm đau Acetaminophen, chẳng hạn như: Tylenol…

Những người bị bệnh hen suyễn, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tim, tăng huyết áp hoặc có tiền sử các vấn đề về dạ dày thì không nên dùng NSAID. Các trường hợp này nên gặp bác sĩ để đổi sang các loại thuốc giảm đau khác.

Các biện pháp hỗ trợ khác

Tập thể dục

Nếu thực hiện đều đặn và phù hợp với tình trạng bệnh, tập thể dục có thể giúp đẩy nhanh thời gian phục hồi chức năng của khớp cổ sau các cơn đau.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Cách này có thể giúp giảm đau khi cơ cổ bị đau. Bạn có thể đặt mua các túi chườm có sẵn tại nhà thuốc hoặc hệ thống trực tuyến.

Nẹp cổ mềm

Loại này có thể tạm thời giảm đau nếu người bệnh sử dụng chúng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài, thiết bị này có thể khiến cơ cổ yếu hơn.

Lưu ý rằng, những biện pháp khắc phục này có thể chỉ hiệu quả đối với những trường hợp đau ít và không quá nghiêm trọng. Với những người bị đau cổ dữ dội hoặc thoái hóa khớp cổ nghiêm trọng thì không nên tự ý điều trị tại nhà.

3 bài tập phòng tránh thoái hóa đốt sống cổ 

Một số bài tập cổ có thể giúp thư giãn và phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đồng thời giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng cũng như hạn chế tiến triển của bệnh. Bạn có thể tham khảo 3 bài tập cổ đơn giản dưới đây:

Bài tập căng cổ

  1. Giữ cơ thể của bạn thẳng.
  2. Đẩy cằm của bạn về phía trước theo cách kéo dài cổ họng.
  3. Căng nhẹ các cơ vùng cổ.
  4. Giữ điều này trong 5 giây.
  5. Đưa đầu của bạn trở lại vị trí trung tâm của nó.
  6. Đẩy đầu ra sau với cằm ngẩng cao và giữ trong 5 giây.
  7. Thực hiện 5 lần lặp lại.

Bài tập nghiêng cổ

Bài 1

  1. Nghiêng đầu về phía trước sao cho cằm chạm vào ngực.
  2. Căng nhẹ các cơ vùng cổ.
  3. Giữ điều này trong 5 giây.
  4. Đưa đầu trở lại vị trí trung tính.
  5. Thực hiện 5 lần lặp lại.

Bài 2

  1. Cúi đầu xuống hai bên vai, hướng về phía tai.
  2. Căng nhẹ các cơ vùng cổ.
  3. Giữ điều này trong 5 giây.
  4. Quay đầu trở lại trung tâm và lặp lại ở vai bên kia.
  5. Thực hiện 5 lần lặp lại.

Bài tập quay cổ

  1. Quay đầu sang một bên sao cho cảm thấy thoải mái. Đảm bảo giữ cho cằm của bạn ở độ cao ngang bằng.
  2. Căng cơ cổ trong 5 giây.
  3. Đưa đầu trở lại vị trí trung tâm.
  4. Lặp lại ở phía đối diện.
  5. Lặp lại bài tập này 5 lần cho mỗi bên.

Các bài tập này có thể giúp hạn chế tác động của tình trạng bệnh và giảm bớt tình trạng đau cũng như cảm giác căng cứng cổ. Tuy nhiên, chúng sẽ không thể chữa khỏi bệnh thoái hóa đốt sống cổ của người bệnh.

Tổng kết

Thoái hóa đốt sống cổ tuy không có những biểu hiện rầm rộ nhưng bệnh sẽ tiến triển dần theo thời gian. Vì vậy, phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt. 

Bài viết trên đây không thay thế bất kì chỉ định điều trị nào của bác sĩ. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào hay muốn được tư vấn thêm về bệnh thoái hóa đốt sống cổ, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài miễn cước 1800 234 558 để được các chuyên gia xương khớp tận tình giải đáp và đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *