Tràn dịch khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào và mang lại nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Vậy tràn dịch khớp có biểu hiện như thế nào và có nguy hiểm gì không? Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin liên quan đến căn bệnh này.
Tràn dịch khớp là gì?
Tràn dịch khớp là hiện tượng chất lỏng tràn ra khỏi bao hoạt dịch rồi tích tụ trong các mô ở quanh khớp gây sưng tấy. Chính vì vậy, nhiều người hay gọi là sưng khớp thay vì tràn dịch khớp.
Tình trạng này thường gặp do nhiễm trùng, chấn thương hoặc các bệnh lý xương khớp. Tràn dịch có xu hướng diễn ra nhiều ở những khớp lớn như: đầu gối, vai, khuỷu tay hoặc mắt cá chân.
Tràn dịch khớp có nguy hiểm không? 3 nguyên nhân gây tràn dịch khớp
Tràn dịch khớp nguy hiểm vì nó đang cảnh báo các vấn đề sức khỏe xương khớp của bạn. Bất kì sự chủ quan, thờ ơ nào với tình trạng này cũng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu người bệnh không điều trị.
Có thể phân loại tràn dịch khớp theo 3 nguyên nhân: do nhiễm trùng, không nhiễm trùng và bệnh lý xương khớp
Nguyên nhân do nhiễm trùng
Khi bị nhiễm trùng, các triệu chứng thường xảy ra một cách nhanh chóng và dữ dội. Nguyên nhân do nấm, vi rút hoặc vi khuẩn tấn công vào hệ thống miễn dịch gây ra các phản ứng viêm của cơ thể.
Tràn dịch thường cực kỳ đau đớn, đặc biệt là khi cử động. Nhiễm trùng có thể đến từ những tổn thương có sẵn ở xương khớp hoặc nhiễm trùng toàn thân (nhiễm trùng máu).
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng gây tràn dịch khớp, bao gồm:
- Người già
- Bệnh tiểu đường
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV)
- Thay khớp
- Mới phẫu thuật khớp
- Bệnh viêm khớp
- Hệ thống miễn dịch suy yếu (chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV giai đoạn nặng, người ghép tạng hoặc bệnh nhân đang hóa trị)
Nguyên nhân không do nhiễm trùng
Các tác động vật lý gây chấn thương khớp dẫn đến tràn dịch.
Chấn thương thể thao là nguyên nhân được biết đến nhiều nhất. Ngoài ra còn do: tai nạn, ngã nghiêm trọng hoặc tác động lực mạnh gây tổn thương có thể liên quan đến xương, các mô liên kết (chẳng hạn như gân và dây chằng), hoặc sụn khớp (như sụn chêm).
Căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp cũng có thể gây tràn dịch. Điều này, thường liên quan đến nghề nghiệp hoặc thói quen sinh hoạt nào đó.
Khi bị chấn thương gây tràn dịch khớp, người bệnh sẽ bị: đau, sưng, cứng và khó mở rộng hoặc xoay khớp.
Các bệnh lý xương khớp
Với bệnh nhân mắc các bệnh lý về xương khớp thì tình trạng sưng khớp thường diễn ra rất phổ biến. Tràn dịch khớp có thể kéo dài (do bệnh mãn tính) hoặc xảy ra một cách bất ngờ (ở bệnh cấp tính). Các bệnh có thể kể đến như:
Viêm xương khớp (OA)
Hay còn gọi là thoái hóa khớp – bệnh do quá trình lão hóa hoặc sau chấn thương. Sự mài mòn của sụn đệm ở các đầu xương có thể dẫn đến tràn dịch gây sưng tấy khớp. Những khớp hay bị tràn dịch là khớp chịu trọng lượng cơ thể suốt đời như: đầu gối, hông, bàn chân và cột sống.
Viêm khớp tự miễn
Viêm khớp tự miễn bao gồm các bệnh: viêm khớp dạng thấp (RA), bệnh Gout, viêm khớp vảy nến…
Khi đó, hệ thống miễn dịch tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào các mô khớp gây các phản ứng viêm dữ dội (gọi là đợt viêm cấp). Các cơn đau, sưng tấy, thậm chí là sốt có thể xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày.
Còn riêng với bệnh Gout – một rối loạn tự miễn đặc trưng bởi sự tích tụ các tinh thể axit uric trong không gian khớp thì các triệu chứng xảy ra một cách nhanh chóng và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở ngón chân cái.
Đừng nhầm lẫn tràn dịch khớp với hiện tượng phù nề
Tràn dịch khớp gây sưng tấy các khớp. Tuy nhiên, không phải cứ có hiện tượng sưng khớp là bị tràn dịch. Khi bị phù nề, người bệnh cũng xuất hiện một số đặc điểm giống với tràn dịch khớp. Dưới đây là 4 thông tin cơ bản giúp bạn phân biệt được phù nề và tràn dịch khớp.
- Phù nề là tình trạng sưng tấy do chất lỏng dư thừa bị mắc kẹt trong các mô của cơ thể bạn.
- Phù có thể là kết quả của việc dùng thuốc, mang thai hoặc một bệnh lý có từ trước – thường là suy tim sung huyết, bệnh thận, suy tĩnh mạch, thiếu protein trầm trọng kéo dài hoặc xơ gan…
- Trên lâm sàng, phù nề có biểu hiện như sưng, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể (não, phổi…) hoặc thậm chí là toàn thân. Nhưng bạn có thể nhận thấy nhiều hơn ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân. Điều này đôi khi dễ làm người bệnh nhầm lẫn với hiện tượng tràn dịch khớp. Tuy nhiên, tràn dịch khớp thì chỉ có biểu hiện sưng đau ở các khớp.
- Các dấu hiệu của phù bao gồm: sưng hoặc bọng mô trực tiếp dưới da, đặc biệt là ở chân hoặc tay; da căng hoặc bóng; sau khi ấn vài giây vào vùng da bị sưng xuất hiện vết lõm (rỗ); tăng kích thước bụng; có thể kèm theo khó thở hoặc tức ngực.
Triệu chứng điển hình khi bị tràn dịch khớp
Khi bị tràn dịch ở bất kỳ khớp nào, các triệu chứng đều khá giống nhau, tuy nhiên mức độ biểu hiện của chúng có thể khác nhau. Các triệu chứng điển hình của tràn dịch khớp bao gồm:
- Sưng: hơi sưng hoặc sưng to bất thường
- Đau: từ đau âm ỉ đến đau buốt cản trở cử động
- Cứng khớp: hạn chế phạm vi chuyển động của khớp bị tràn dịch hoặc hạn chế hoàn toàn mọi cử động
- Đỏ và nóng : liên quan đến nguyên nhân do viêm
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tràn dịch khớp, có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:
- Bầm tím và chảy máu trong khoang khớp (do chấn thương)
- Sốt, ớn lạnh, khó chịu và suy nhược (nếu có nhiễm trùng)
- Mất cơ tiến triển (do viêm khớp kéo dài, còn được gọi là ức chế cơ khớp)
Một biến chứng thường gặp của tràn dịch khớp là xuất hiện nốt chứa đầy chất lỏng (gọi là u nang Baker) trong khoang khớp. Nguyên nhân là do lượng dịch khớp quá nhiều mà cơ thể không thể tái hấp thu. Khi các u nang Baker nhỏ, có thể không gây ra triệu chứng gì, nhưng khi chúng lớn hơn bạn có thể được sờ được và cảm thấy đau đớn lúc vận động.
Điều trị tràn dịch khớp như thế nào?
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tràn dịch khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho bạn. Dưới đây là 5 phương pháp thường được dùng trong điều trị tràn dịch khớp.
- Đối với tràn dịch khớp ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi, chườm đá, hạn chế vận động và có thể kê thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Advil (ibuprofen) hoặc Aleve (naproxen).
- Nếu tình trạng sưng tấy khớp của bạn đặc biệt nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ hút bớt dịch trong khớp của bệnh nhân ra. Sau đó có thể tiêm cortisone sau khi làm thủ thuật. Điều này giúp nhanh chóng làm giảm đau và viêm.
- Với tràn dịch do nhiễm trùng thường có thể được điều trị bằng một đợt kháng sinh đường uống phổ rộng kéo dài 14 ngày như Ciprofloxacin. Nghiêm trọng hơn là những người bị nhiễm trùng gây ra bởi bệnh lậu mang tính hệ thống hoặc kháng methicillin Staphylococcus aureus (MRSA), có thể điều trị kháng sinh tiêm tĩnh mạch từ 2-4 tuần.
- Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp hoặc một dạng khác của viêm khớp tự miễn dịch, có thể sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch như: methotrexate và Humira (adalimumab), giúp giảm phản ứng miễn dịch bất thường.
- Tạo hình khớp (phẫu thuật khớp) dành riêng cho các chấn thương khớp nghiêm trọng hoặc để sửa chữa các khớp bị bất động do viêm khớp. Trường hợp nặng hơn có thể phải thay khớp.
6 điều giúp hạn chế hiện tượng tràn dịch khớp
Mặc dù không thể kiểm soát hết các nguyên nhân gây ra tràn dịch khớp nhưng dưới đây là 6 điều có thể giúp bạn hạn chế được hiện tượng tràn dịch khớp.
- Giảm cân: điều này có thể làm giảm căng thẳng cho hông và chi dưới.
- Bắt đầu tập thể dục với tác động nhẹ nhàng nhất: nếu bạn đang bị đau ở đầu gối, hông hoặc mắt cá chân, hãy tránh các hoạt động có động tác mạnh như cử tạ nặng hoặc ngồi xổm sâu.
- Thư giãn khớp: thực hiện các động tác duỗi đầu gối và vai nhẹ nhàng trước khi tập thể dục hoặc trong suốt cả ngày nếu bạn đang ngồi ở bàn làm việc trong thời gian dài.
- Hỗ trợ các khớp của bạn: sử dụng giá đỡ đầu gối đàn hồi hoặc nẹp khuỷu tay khi chơi thể thao tiếp xúc, đi bộ đường dài hoặc hoạt động khác.
- Đừng gắng sức làm việc quá khả năng thể chất của bạn: đặc biệt là người cao tuổi, nên hạn chế tối đa những hoạt động nặng như: bê, vác, chạy… Vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương xương khớp dẫn đến tràn dịch.
- Lắng nghe cơ thể của bạn và đừng bỏ qua những triệu chứng dù là nhỏ nhất: nếu bạn gặp bất kỳ cơn đau khớp đột ngột hoặc sưng bất thường ở khớp, tốt nhất bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh sớm nhất có thể.