Bạn bị đau nhức xương khớp, khớp kêu lục cục mỗi sáng thức dậy? Bạn khó cử động, thậm chí sưng tấy tại khớp mỗi khi trở trời? Liệu bạn có đang bị mắc bệnh viêm khớp hay không? Hãy cùng tìm hiểu về 7 điều quan trọng cần biết trước khi bắt đầu điều trị bệnh viêm khớp nhé!
Viêm khớp là gì?
Viêm khớp là một thuật ngữ thường dùng để chỉ bất kì rối loạn nào làm ảnh hưởng đến khớp xương. Có khoảng hơn 100 loại viêm khớp, nhưng hai loại thường gặp nhất đó là viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA)
Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm khớp
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp thường phát triển chậm và nặng hơn theo thời gian. Dưới đây là 7 dấu hiệu thường gặp nhất khi bạn bị viêm khớp:
- Đau nhức ở các khớp: Các khớp bị ảnh hưởng có thể bị đau trong hoặc sau khi vận động.
- Căng cứng ở các khớp: Cứng khớp có thể dễ nhận thấy nhất khi thức dậy hoặc sau khi không hoạt động.
- Tình trạng mềm khớp: Khớp của bạn có thể cảm thấy mềm khi bạn ấn nhẹ tại khớp hoặc vị trí gần khớp.
- Khớp mất tính linh hoạt: Bạn có thể không cử động được khớp của mình trong toàn bộ phạm vi chuyển động của nó.
- Cảm giác nóng: Bạn có thể nhận thấy được cảm giác nóng ran khi sờ vào các khớp. Và cũng có thể, bạn sẽ nghe thấy tiếng kêu “lục cục” khi ấn nhẹ vào khớp.
- Gai xương: Những mẩu xương thừa này cảm giác giống như cục cứng, có thể hình thành xung quanh khớp bị ảnh hưởng.
- Sưng tấy tại khớp hoặc xung quanh khớp: Điều này có thể do viêm mô mềm xung quanh khớp.
Bạn có đang băn khoăn rằng mình bị viêm khớp cấp tính hay viêm khớp mạn tính?
Thông thường, các triệu chứng của bệnh viêm khớp sẽ có sự khác nhau giữa mỗi người tùy thuộc vào từng loại bệnh. Dưới đây là 2 loại bệnh viêm khớp phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp.
Bệnh | Viêm khớp cấp tính | Viêm khớp mạn tính |
Nguyên nhân | Bệnh nhiễm trùng khớp do virus, vi khuẩn | Xảy ra khi các lớp sụn và đĩa đệm bị bào mòn, thoái hóa khiến các khớp bị suy yếu và mất dần chức năng vận động |
Triệu chứng | Sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp xương, có thể kèm theo sốt, mệt mỏi toàn thân | Đau, cứng khớp, khó khăn khi cử động |
Diễn biến bệnh | Triệu chứng diễn ra nhanh, rõ rệt.
Có thể khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, có nguy cơ chuyển sang mạn tính, phá hủy tổ chức sụn và xương dưới sụn, làm biến dạng khớp nếu không được điều trị kịp thời |
Triệu chứng phát triển chậm và diễn biến xấu dần theo thời gian.
Không thể tự khỏi nếu không điều trị. Bệnh kéo dài và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tác động (thời tiết, chế độ ăn uống, sinh hoạt…) |
Độ tuổi | Gặp cả ở trẻ em và người trưởng thành (dưới 60 tuổi) | Chủ yếu gặp ở người lớn tuổi (60 tuổi trở lên) |
Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh viêm khớp
Bệnh viêm khớp bao gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có một nguyên nhân riêng. Tuy nhiên có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân chính sau:
- Các nguyên nhân tại khớp: thường gặp như viêm sụn, thoái hóa, bào mòn sụn khớp, nhiễm khuẩn tại khớp, chấn thương khớp..
- Các nguyên nhân ngoài khớp: thường gặp do các rối loạn chuyển hóa chất (tăng acid uric trong bệnh Gout), bất thường hệ thống miễn dịch gây tổn thương các thành phần trong khớp (bệnh viêm khớp dạng thấp). Các tình trạng này làm ảnh hưởng tới hoạt động và cấu trúc của khớp từ đó gây viêm khớp.
Liệu bạn có phải là đối tượng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp hay không?
Dưới đây là 8 yếu tố có thể là nguy cơ tiềm ẩn khiến bạn dễ mắc bệnh viêm khớp
Di truyền
Một số loại viêm khớp có lịch sử gia đình. Vì vậy, có thể có nhiều khả năng phát triển viêm khớp nếu cha mẹ hoặc anh chị em có các rối loạn về xương khớp (các gen không thực sự gây ra viêm khớp mà nó có thể dễ bị tác động bởi các yếu tố từ môi trường kích hoạt yếu tố gây viêm khớp).
Độ tuổi
Mặc dù viêm khớp có thể gặp ở cả trẻ em nhưng người cao tuổi có tỷ lệ mắc các bệnh viêm khớp cao hơn (hầu hết là do ảnh hưởng của các rối loạn chuyển hóa và tích tụ các chấn thương kéo dài).
Giới tính
Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển viêm khớp dạng thấp hơn là nam giới.
Chấn thương
Các chấn thương tại khớp có thể gây ra viêm khớp cấp tính ngay lúc đó hoặc tăng nguy cơ viêm khớp mạn sau này.
Bệnh béo phì
Trọng lượng lớn của cơ thể đặt áp lực vào các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối, hông và cột sống. Người béo phì có nguy cơ cao phát triển viêm khớp hoặc đẩy nhanh quá trình viêm đã có sẵn tại khớp.
Nghề nghiệp
Những người làm công việc lao động nặng, công việc lặp đi lặp lại nhiều lần 1 động tác, công việc phải ngồi lâu trong một tư thế, vận động sai tư thế có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp cao hơn.
Người mắc các bệnh về rối loạn trao đổi chất: Ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng các thành phần của khớp và các xuất hiện các thành phần bất thường trong khớp.
Hút thuốc
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) của một người và có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Nó cũng khiến việc duy trì hoạt động thể chất trở nên khó khăn hơn.
Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp
Với bệnh viêm khớp, việc dùng thuốc sẽ là lựa chọn ưu tiên của bác sĩ cũng như người bệnh. Các thuốc này giúp làm giảm triệu chứng viêm, đau và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh. Thông thường các thuốc viêm khớp được sử dụng để điều trị đó là:
Thuốc giảm đau: Những loại thuốc giúp giảm đau, nhưng không có hiệu lực cho viêm. Ví dụ như: Acetaminophen, Tramadol
Kháng viêm không steroid (NSAIDs): NSAID giảm đau và viêm, bao gồm Aspirin, Ibuprofen và Naproxen… (NSAIDs uống có thể gây kích ứng dạ dày, và một số có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ).
Corticosteroid (bao gồm Prenisone và Cortisone): làm giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch.
Ức chế miễn dịch (DMARDs): Thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. DMARDs làm chậm hoặc ngừng tấn công khớp của hệ thống miễn dịch. Ví dụ như Methotrexate và Hydroxychloroquine.
Glucosamine: Nhiều chuyên gia khuyên nên bổ sung ngay chất này như biện pháp điều trị đầu tiên cho viêm khớp.
Lưu ý: Trường hợp bệnh viêm khớp ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống sinh hoạt (gây đau đớn kéo dài, không cử động được…) thì bệnh nhân cần đến bác sĩ để được chỉ định can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật thay thế, tạo hình xương khớp…)
Lời khuyên hữu ích từ chuyên gia cho bệnh viêm khớp
Viêm khớp là một bệnh rất phổ biến gặp, nhất là độ tuổi trung niên. Bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như đời sống hàng ngày của chúng ta. Ngoài việc tuân theo điều trị của bác sĩ và dùng thuốc, chuyên gia đưa ra 7 lời khuyên hữu ích cho bạn trong việc phòng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp:
- Tập thể dục: Thường xuyên và nhẹ nhàng sẽ giúp khớp dẻo dai hơn. Bơi lội là một sự lựa chọn tốt cho các bệnh nhân viêm khớp do môn thể thao này làm giảm áp lực lên các khớp. Tuy nhiên cần đảm bảo chế độ tập luyện vừa sức.
- Duy trì cân nặng trong giới hạn cho phép.
- Chế độ ăn nên giảm lượng tinh bột đặc biệt với các trường hợp béo phì. Tăng các loại thức ăn có chứa chất oxi hóa để giảm viêm. Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để giảm tiến triển nặng thêm của viêm khớp.
- Đảm bảo an toàn trong lao động để hạn chế các chấn thương tới khớp.
- Ngừng hút thuốc.
- Ngồi và làm việc đúng tư thế.
- Khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn chuyển hóa của cơ thể.